Phòng cháy hơn chữa cháy
Vụ cháy chung cư Carina Plaza tại TP.Hồ Chí Minh rạng sáng 23-3 làm 13 người thiệt mạng, hàng trăm người bị thương đã khiến nhiều người sửng sốt. Cư dân sống tại các chung cư, nhà tập thể trong cả nước, trong đó có BR-VT càng hoang mang, lo lắng hơn.
Tôi ở một chung cư tại phường 3, TP.Vũng Tàu. Nhìn chung, các điều kiện sống ở chung cư khá ổn: Gần cơ quan; an ninh trật tự tốt; thoáng mát, sạch sẽ; gần biển; gần trung tâm, thuận tiện cho việc đưa đón con đi học… Nhưng, mỗi khi ở đâu đó xảy ra cháy, các cư dân trong chung cư lại chia sẻ tin, bài báo liên quan lên facebook của nhóm chung cư và đặt ra nhiều giả thiết khiến nhiều người càng bất an. Mấy ngày nay, sau vụ cháy chung cư Carina Plaza, chuông báo cháy cứ reo inh ỏi, bất kể giờ giấc, mỗi ngày mấy lần, trong khi trước đó một thời gian dài, nó lặng im. Với tinh thần cảnh giác cao độ, nghe tiếng chuông báo cháy, mọi người đồng loạt mở cửa ra ngó nghiêng, người này nhìn người kia rồi không thấy động tĩnh gì lại đóng cửa. Trước đó, tình trạng chuông báo cháy reo liên tục đã quá quen thuộc đến nỗi mỗi khi nghe tiếng chuông báo cháy, không mấy người quan tâm, buộc Ban quản trị chung cư phải tắt chuông.
Vụ cháy chung cư Carina Plaza đã bộc lộ nhiều “lỗ hổng” về PCCC như: trụ cứu hỏa không có nước, chuông báo cháy không reo, cửa thoát hiểm ngăn khói bị chèn đá khiến khói bốc lên các tầng… Cũng như nhiều vụ cháy nghiêm trọng trước đó trong cả nước, chỉ sau khi sự cố xảy ra, cơ quan chức năng mới chỉ đạo kiểm tra công tác PCCC tại các nơi tương tự như: Chung cư, nhà cao tầng; quán karaoke; cơ sở sản xuất… Người ta cũng bàn đến việc trang bị kỹ năng thoát hiểm cho người dân cũng như trang bị phương tiện, vật dụng đề phòng khi có sự cố.
Chúng ta không thể ngăn chặn một cách tuyệt đối các vụ cháy, nhưng có thể phòng ngừa và giảm thiểu thiệt hại về người và của bằng cách ngăn chặn các nguồn và nguy cơ gây cháy. Theo đó, trách nhiệm kiểm tra, thẩm định hệ thống PCCC, sự an toàn của một công trình thuộc về lực lượng Cảnh sát PCCC. Công việc này phải được thực hiện định kỳ, thường xuyên, bảo đảm đúng quy trình, kỹ thuật, không vì nể nang hay vì sự tác động nào khác mà làm chiếu lệ, nhắm mắt cho qua.
Bên cạnh đó, ý thức của người dân phải đặt lên hàng đầu. Trên thực tế, nhiều vụ cháy xảy ra đều do lỗi con người: Thợ hàn xì thi công không bảo đảm an toàn, làm bắn tia lửa gây cháy; người dân đốt vàng mã trong nhà, hút thuốc lá trong hầm để xe, đốt cỏ, đốt rác… gây cháy; thiếu kỹ năng, kiến thức xử lý đám cháy khi mới bắt đầu, khiến đám cháy lan rộng. Một số chung cư, nhà tập thể còn có tình trạng cư dân cơi nới, lấn chiếm không gian công cộng, lối thoát hiểm… gây khó khăn cho việc chữa cháy, thoát hiểm khi có sự cố. Mặt khác, nhiều trường hợp thiệt mạng trong các vụ cháy là do ngạt khói chứ không phải cho lửa. Nguyên nhân được cho là do người dân thiếu kỹ năng ứng phó khi có hỏa hoạn. Trách nhiệm trang bị kỹ năng ứng phó với sự cố cháy nổ, chống ngạt, thoát hiểm khi có cháy thuộc về các lực lượng như Cảnh sát PCCC, trường học, Đoàn thanh niên, bởi hiện nay, thông tin hướng dẫn các kỹ năng này đang bị nhiễu loạn. Các trang mạng điện tử và mạng xã hội mỗi nơi hướng dẫn mỗi kiểu khiến người đọc không biết làm thế nào là đúng.
Hiện nay, các tỉnh, thành khu vực miền Nam vẫn đang trong mùa khô. Nguy cơ cháy nổ không chỉ tại các khu chung cư, nhà tập thể mà cả ở các khu dân cư, cơ sở sản xuất, DN là rất lớn. Vụ cháy tại một tiệm sửa chữa săm lốp ngày 21-3, tại phường 12, TP.Vũng Tàu có nguyên nhân từ việc người dân đốt cỏ ở gần đó là một ví dụ. Người Việt Nam có câu: “Chớ để mất bò mới lo làm chuồng”. Phòng cháy hơn chữa cháy, đừng để khi xảy ra cháy rồi mới đi kiểm tra, nhắc nhở rồi qua thời gian, việc phòng cháy lại bị lơi lỏng, lãng quên.
NGUYỄN ĐỨC