.

Văn hóa lái xe

Cập nhật: 19:03, 15/01/2018 (GMT+7)

Sáng thứ Hai đầu tuần, đúng giờ học sinh đến trường, người lao động đến cơ quan, công sở nên đường Lê Hồng Phong (TP.Vũng Tàu) có khá nhiều phương tiện lưu thông. Không gian yên tĩnh của buổi sáng sớm bỗng dưng bị xé tan bởi tiếng còi hơi vang lên liên tục phía sau. Nhiều người giật mình vội cho xe máy chạy sát vào lề. Một chị phụ nữ chở theo 2 đứa con loạng choạng tay lái, suýt nữa thì té xuống đường. Chiếc Limousine VIP chuyên chở khách tuyến Vũng Tàu - Tân Sơn Nhất của hãng xe P. lạng lách với tốc độ khá cao giữa dòng ô tô, xe máy đông đúc. Vừa đi, tài xế vừa nhấn còi hơi liên tục. Chiếc xe đi đến đâu, các phương tiện khác đều lo sợ mà tránh dạt ra nhường đường đến đó. 

Trước đó, vào sáng thứ Bảy, tôi cũng chứng kiến cảnh tài xế của 2 hãng xe khách có tiếng chạy tuyến Vũng Tàu - TP.Hồ Chí Minh “đua” tốc độ trên đường Nguyễn Thái Học. Chỉ đến khi gặp giao lộ với đường Nguyễn Tri Phương, một trong 2 tài xế trên mới giảm tốc độ. Người đi đường bị một phen hú vía. 

Ai trong chúng ta hẳn cũng ít nhiều từng trải qua những tình huống tương tự như trên. Điều đáng chú ý, phần lớn những tài xế có hành vi phóng nhanh, vượt ẩu, lạng lách, bấm còi liên tục trong khu vực đô thị, đông dân cư đều là những người làm nghề dịch vụ: Tài xế xe tải, xe khách, xe buýt, taxi… Một tài xế xe khách chạy tuyến Vũng Tàu - TP.Hồ Chí Minh giải thích, anh ta phải chạy nhanh như thế vừa để cho kịp giờ, vừa để giành khách và “mong hành khách thông cảm” khi tôi bày tỏ sự không hài lòng trong một chuyến xe tốc hành.

Thông thường, các hãng xe đều có quy định về đạo đức, thái độ phục vụ hành khách của tài xế với những điều khoản như: không chạy quá tốc độ, không phóng nhanh, vượt ẩu, không lạng lách, lái xe thể hiện văn hóa trong giao thông và khi giao tiếp với khách hàng… Tuy nhiên, trên thực tế, các hãng xe thường rất khó kiểm soát được tài xế của mình trên suốt quãng đường hơn 100km; thậm chí có hãng thì làm lơ cho tài xế tự tung tự tác. 

Tôi còn nhớ bài học đầu tiên khi bắt đầu bước lên chiếc ô tô tập lái. Giáo viên dặn chúng tôi phải hạn chế tối đa việc dùng còi xe mà hãy làm chủ tốc độ, tay lái và chân thắng. Khi điều khiển xe đến ngã tư, thỉnh thoảng xe bị chết máy, một số tài xế phía sau bấm còi inh ỏi. Giáo viên hỏi: “Các bạn có thấy khó chịu với tiếng còi xe đó không”?. Mọi người đều trả lời “Có”. Thầy nhẹ nhàng giải thích: “Đó là lý do vì sao tôi khuyên các bạn hạn chế dùng còi, vì muốn các bạn là người có văn hóa giao thông”. Lời dạy của thầy tuy nhẹ nhàng mà thật ý nghĩa. 

Đem chuyện bức xúc các tài xế xe khách bấm còi inh ỏi lạng lách trên đường phố đông phương tiện lưu thông nói với thầy, thầy bảo, trong các trường dạy lái xe, cả khi học lý thuyết và thực hành, các giáo viên đều lưu ý học viên phải lái xe có văn hóa, biết nhường đường, chấp hành nghiêm Luật Giao thông đường bộ. Bộ câu hỏi luyện thi lý thuyết học lái ô tô cũng có nhiều câu liên quan đến vấn đề văn hóa giao thông. Thế nhưng, tiếc rằng ý thức, văn hóa giao thông của nhiều tài xế quá kém. Đó cũng là một trong những nguyên nhân gây tai nạn giao thông ở nước ta, cướp đi sinh mạng của gần 8.300 người và hàng chục ngàn người bị thương trong năm 2017. 

Hơn thế nữa, tài xế chính là hình ảnh, bộ mặt của DN kinh doanh vận tải hành khách. Những tài xế, những hãng xe không chú trọng giáo dục văn hóa giao thông cho tài xế sớm muộn gì rồi cũng sẽ bị hành khách tẩy chay.  

Tôi rất ấn tượng với câu khẩu hiệu tuyên truyền về an toàn giao thông: “Nhanh một phút, chậm cả đời”. Xin các bác đừng coi thường mạng sống của người khác và của chính mình!

NGUYỄN ĐỨC

.
.
.