.

Chống tham nhũng - không có vùng cấm

Cập nhật: 20:55, 07/01/2018 (GMT+7)

Hôm nay, ngày 8-1, TAND TP. Hà Nội đưa bị cáo Đinh La Thăng cùng 21 đồng phạm ra xét xử với 2 tội danh: “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và tội “Tham ô tài sản”, xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tổng Công ty CP Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC).

Cáo trạng của Viện KSND tối cao nêu rõ, bị cáo Đinh La Thăng, nguyên Chủ tịch HĐQT PVN, là người quyết định chủ trương, chỉ đạo thực hiện với tư cách là người đứng đầu PVN, đã ký thỏa thuận hợp tác tham gia góp vốn với OceanBank, nhưng không thông qua HĐQT, ký ban hành nghị quyết thực hiện các lần góp vốn, bổ sung vốn khi chưa được sự đồng ý của Thủ tướng; không thực hiện yêu cầu của Bộ Tài chính để bảo đảm các điều kiện về góp vốn, dẫn tới PVN mất trắng 800 tỷ đồng tại OceanBank. Cơ quan truy tố xác định: Trong quá trình thực hiện dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, bị cáo Đinh La Thăng có vai trò chính trong việc đề ra chủ trương và chỉ định PVC thực hiện gói thầu, cấp tạm ứng hơn 6,6 triệu USD và hơn 1.312 tỷ đồng cho PVC, để bị cáo Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm sử dụng hơn 1.115 tỷ đồng sai mục đích. Bị cáo Trịnh Xuân Thanh, nguyên Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc PVC, là người đã cùng các đồng phạm làm thất thoát tài sản Nhà nước với khoản lỗ gần 3.300 tỷ đồng tại các dự án do PVC đảm nhận. Đồng thời, Viện KSND tối cao còn truy tố bị cáo Trịnh Xuân Thanh về tội “Tham ô tài sản” xảy ra tại Công ty CP bất động sản điện lực dầu khí VN (PVP Land) và Công ty CP Minh Ngân. Trong vụ án này, bị cáo Trịnh Xuân Thanh bị cáo buộc đã chỉ đạo cấp dưới bán cổ phần, là tài sản của Nhà nước thấp hơn mức giá thỏa thuận, tạo ra chênh lệch cổ phần trị giá 87 tỷ đồng. Giá trị tài sản các đối tượng đã chiếm đoạt là 49 tỷ đồng; trong đó, bị cáo Trịnh Xuân Thanh chiếm đoạt 14 tỷ đồng.

Phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Đinh La Thăng và 21 đồng phạm dự kiến diễn ra trong 14 ngày, từ ngày 8 đến 21-1-2018. Đây là một trong những phiên tòa thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận xã hội. Các bị cáo đều là những chủ thể đặc biệt, từng có chức vụ và quyền hạn. Nhưng cho dù giữ vị trí và trọng trách nào thì khi đã bị truy tố, ra tòa đều phải chịu sự xét xử nghiêm minh của pháp luật. “Tất cả đảng viên đều bình đẳng trước kỷ luật của Đảng. Đảng viên ở bất cứ cương vị nào, nếu vi phạm kỷ luật của Đảng đều phải được xem xét, xử lý kỷ luật nghiêm minh, kịp thời”- Đó là nguyên tắc xử lý kỷ luật đã được Bộ Chính trị nêu rõ trong “Quy định 102-QĐ/TW về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm”.

Kể từ sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII đến nay, công tác phòng, chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước đã và đang được triển khai trên diện rộng, được tiến hành khẩn trương, quyết liệt, với lộ trình và bước đi thích hợp. Điều đó khẳng định Đảng ta tiếp tục đề cao kỷ cương, tăng cường kỷ luật, xử lý nghiêm minh những cán bộ, đảng viên cố tình sai phạm, thoái hóa, biến chất, tham nhũng, lãng phí tài sản quốc gia; góp phần làm trong sạch bộ máy Đảng, Nhà nước và  mang lại niềm tin cho nhân dân.

HOÀNG LÊ

.
.
.