Đón Tết ở một nơi rất xa
Cuối tháng 11 âm lịch, bạn tôi đã lập nhóm rủ nhau “đón Tết ở một nơi rất xa” bằng một tour du lịch, khởi hành từ ngày mùng 2 Tết. Điều đáng nói, hầu hết những gia đình trong nhóm đều không còn trẻ, thậm chí có người đã “lên chức” ông bà nội, ngoại. Nhóm có 5 gia đình, với gần 20 người từ già đến trẻ cùng háo hức “đếm ngược” chờ đợi Tết trong trạng thái phấn khích!
Chuyện nghe có vẻ lạ và hơi trái với truyền thống, bởi lâu nay, Tết vẫn được “đóng khung” cho việc đoàn tụ gia đình. Việc đi du lịch thường chỉ dành cho những người trẻ, còn son rỗi, không bận bịu gì và không phải lo toan việc “phục vụ” Tết.
Bởi vậy, khi một cô bạn của tôi đưa lên mạng xã hội một bài văn học trò về đề tài “Phát biểu cảm nghĩ của em về Tết” đã nhận được nhiều phản hồi, trong đó có cả những lời thở dài, chán ngán vì Tết, nhất là chị em phụ nữ. Trong bài văn ngắn, nhìn nét chữ và cách diễn tả thì đoán chừng của học sinh tiểu học, một cô bé, cậu bé nào đó đã cực kỳ ghét Tết, vì: “Từ hồi nhỏ tới giờ, em toàn nghe nói Tết vui. Nhưng đó là ở đâu chớ không phải ở nhà em. Mỗi lần đến Tết là em thấy mệt mỏi, mẹ em mệt mỏi, cả nhà em mệt mỏi”… Tết trong mắt cô/cậu bé này chả có gì là vui khi mẹ suốt ngày tất bật dọn dẹp nhà cửa, chuẩn bị món ăn, thức uống tiếp khách và vì thế mà mẹ em đâm ra cáu bẳn, hay nổi giận với cha con em.
Tôi hơi dài dòng một chút để thấy rằng, quan niệm truyền thống của người Việt mỗi dịp Tết cổ truyền vẫn là sắm sanh, sửa soạn nhà cửa, tụ tập bạn bè với những buổi liên hoan, nhậu nhẹt… Để rồi, khi những ngày nghỉ Tết khép lại, ai nấy uể oải trở lại công việc thường ngày, nhưng với tâm trạng… phấn khích vì đã hết Tết!
Trở lại với vấn đề đi du lịch ngày Tết, đây không phải là chuyện mới mẻ gì, nhưng lại vẫn chưa được chấp nhận phổ biến đối với cộng đồng người Việt, nhất là khi người lớn tuổi luôn mong muốn con cháu ngày Tết thì phải về quê, cúng tổ tiên ông bà, Tết thì phải đoàn viên.
Đành rằng, những nét đẹp truyền thống của ngày Tết vẫn nên được giữ gìn, bảo tồn ở mỗi người Việt, gia đình Việt, nhưng không phải vì vậy mà chúng ta tự làm khổ lẫn nhau, biến những ngày Tết đáng ra vui vẻ thành nỗi ám ảnh với những tất bật lo toan, những sắm sanh tốn kém… Chúng ta vẫn có thể điều chỉnh để có những ngày Tết cổ truyền đầm ấm, vui vẻ, hài hòa, vẫn có thể sắp xếp để được “đón Tết ở một nơi rất xa…”.
Chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa phân tích: Người già thích Tết cổ truyền với các tục lệ loay hoay xung quanh ban thờ, thắp nhang, cúng lễ, sinh hoạt chung với gia đình. Nhưng đó là cái Tết của xã hội nông nghiệp, gia đình cùng ăn chung, làm chung một công việc, thời gian và các thói quen, sở thích giống nhau. Còn hiện nay, mỗi người có cuộc sống, nghề nghiệp, chỗ ở riêng. Do đó nếp nghĩ, sở thích cũng khác. Nếu cứ buộc tất cả các thế hệ vào các nếp cũ sẽ gây mâu thuẫn, khiến nhiều người không hạnh phúc. Chuyên gia này cho rằng, việc đi du lịch trong dịp Tết không có gì là “bất hiếu” như một số người suy diễn, bởi đi du lịch cũng là cơ hội để gia đình, bạn bè sum vầy vui vẻ, được nghỉ ngơi, thư giãn sau một năm vất vả. Chúng ta có thể dành 2 ngày trước Tết và ngày mùng 1 ở nhà cùng cha mẹ, dọn dẹp nhà cửa và ăn bữa cơm mừng năm mới. Những ngày sau đó sẽ dành cho du lịch, với các thành viên trong gia đình và cả bạn bè nếu có thể.
Tại nhiều quốc gia, kỳ nghỉ lễ năm mới thường được dành cho những chuyến du lịch để khám phá những nơi mới lạ và nghỉ ngơi, thư giãn sau một năm làm việc vất vả. Chính vì vậy, các tour du lịch vào những dịp này được mở bán rầm rộ hơn, là mùa làm ăn của các công ty du lịch. Ở nước ta, việc đi du lịch trong dịp Tết để đón năm mới dần trở thành trào lưu, dù chưa đến mức phổ biến, nhưng là dấu hiệu cho thấy, Tết ở một góc nhìn nào đó sẽ không còn là sự căng thẳng, nặng nề với nhiều người.
Vậy thì tại sao chúng ta không thử “đón Tết ở một nơi rất xa” để bước vào một năm mới tràn đầy năng lượng của sự tươi mới!
SƠN TRÀ