.

An toàn thực phẩm luôn "nóng"

Cập nhật: 19:12, 05/01/2018 (GMT+7)

Chị tôi chỉ ở nhà nội trợ, vì vậy, việc lựa chọn thực phẩm gì, chế biến thế nào để có bữa ăn bảo đảm an toàn thực phẩm cho cả gia đình được chị chăm chút, quan tâm kỹ lưỡng. Sau “sự cố” các lò mổ heo được cho là sử dụng thuốc ngủ để chích cho heo, chị đã không còn mua thịt heo ở chợ. Thay vào đó, chị mua thịt heo ở những sạp ven đường, được người bán quảng cáo là heo ở quê, nhà tự nuôi được vài con, tự mổ đem bán. Vậy nhưng, khi biết thông tin ngay cả những sạp heo này cũng chẳng có cơ sở gì để bảo đảm an toàn, chị tôi thực sự hoang mang và đành chuyển sang mua cá “vụn” được ngư dân đánh bắt ven bờ đem bán ngay trên bờ biển!

An toàn thực phẩm đúng là “bài toán” quá khó đối với không chỉ các bà nội trợ mà ngay cả với cơ quan chức năng. 

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo liên ngành an toàn thực phẩm tỉnh vừa diễn ra, cho thấy một “bức tranh” toàn cảnh về an toàn thực phẩm vẫn không mấy sáng sủa cho dù trong suốt năm qua, các cơ quan chức năng đã tăng cường mọi hoạt động, tìm kiếm nhiều giải pháp trong quản lý lĩnh vực này. 

Công bằng mà nói, trong năm 2017, tỉnh đã đạt được một số kết quả khả quan trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm; trong đó có việc xây dựng mô hình “Chợ thí điểm bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm” và điểm kiểm nghiệm nhanh, cố định tại một số chợ trên địa bàn. Bên cạnh đó, “Chuỗi an toàn thực phẩm” được xúc tiến nhanh, dần đi vào chiều sâu gắn với việc phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nhằm đưa đến tận tay người tiêu dùng những thực phẩm an toàn... 

Vậy nhưng, những mảng sáng ấy vẫn chưa thể lấn át những mảng tối khi có ý kiến cho rằng, chúng ta cần xem xét lại các giải pháp, cũng như cách triển khai công tác an toàn thực phẩm bởi nguy cơ mất an toàn thực phẩm vẫn hiện hữu và chưa thể kiểm soát. Có thể nói, đến thời điểm này, mạng lưới bảo đảm an toàn thực phẩm đã phủ kín từ tỉnh đến xã, phường, công tác tuyên truyền được cho là đã đến tận hộ gia đình.

Nhưng, kiến thức, hành vi của cộng đồng vẫn chưa mấy chuyển biến, bằng chứng là trong năm 2017, toàn tỉnh vẫn xảy ra 6 vụ ngộ độc tập thể có từ trên 2 người mắc trở lên, với 167 trường hợp bị ngộ độc. Trong đó, có 3 vụ ngộ độc khiến cả gia đình cùng mắc do ăn nhộng ve sầu, ăn thực phẩm bị biến chất, ăn cá nóc. 3 vụ khác thuộc dạng ngộ độc tập thể, khiến hơn 150 người mắc. Kết quả giám sát mối nguy về an toàn thực phẩm cũng không mấy khả quan khi trong các mẫu được lấy ngẫu nhiên có tỷ lệ dương tính với các vi sinh vật gây bệnh, hoá chất bảo quản độc hại vẫn còn và ở mức tương đối cao (mẫu nhiễm vi sinh vật hơn 24%).

Thậm chí, trong năm còn phát hiện gia tăng tình trạng sử dụng hóa chất cấm, độc hại để bảo quản thực phẩm như Triclorfon (là dạng hóa chất dùng để sản xuất thuốc trừ sâu và diệt côn trùng), Formol... Một trong những nguyên nhân khiến cho việc vi phạm và tái vi phạm của cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm được cho là do sự xử phạt chưa nghiêm, chưa đủ sức răn đe; các cơ sở còn chưa bị nêu danh tính trên các phương tiện truyền thông. 

Mùa lễ hội của năm 2018 đã bắt đầu, cao điểm là dịp đón Tết Nguyên đán, vì vậy, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm cần được đẩy mạnh hơn bao giờ hết. BR-VT đã thành lập 3 đoàn kiểm tra liên ngành cấp tỉnh, tiến hành thanh, kiểm tra từ ngày 25-12-2017 đến 30-3-2018. Bên cạnh đó, các cấp chính quyền địa phương cũng thành lập các đoàn thanh, kiểm tra và triển khai công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm dịp Tết. Đây là thời điểm để tăng cường ý thức cộng đồng thông qua các cảnh báo, tuyên truyền sâu rộng, cũng như răn đe các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm trong việc tuân thủ quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm.

Luật sửa đổi Bộ Luật Hình sự năm 2017 có hiệu lực từ 1-1-2018 quy định những hành vi vi phạm trong lĩnh vực an toàn thực phẩm có thể bị xử lý hình sự. Đây là cơ sở để chấn chỉnh tình trạng vi phạm an toàn thực phẩm, nhất là hành vi sử dụng hóa chất cấm, độc hại làm ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Chúng ta khó có thể đòi hỏi “người tiêu dùng thông thái” khi chính bản thân họ khó có thể phân biệt được thực phẩm có “ngậm” hóa chất hay không bằng mắt thường hoặc kinh nghiệm thiếu cơ sở khoa học… Vì vậy, chúng ta nên triệt để đòi hỏi các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm phải tuân thủ pháp luật. 

THẢO LINH

.
.
.