.

Vì sao cháy nổ cứ xảy ra?

Cập nhật: 17:50, 08/01/2018 (GMT+7)

Một tuần đã trôi qua, nhưng vụ nổ kinh hoàng ở “làng phế liệu” lớn nhất miền Bắc-thôn Quan Độ xã Văn Môn, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh vẫn để lại nhiều “dư chấn” trong dư luận. Hậu quả mà vụ nổ để lại thật khủng khiếp: 2 cháu bé bị cướp đi sinh mạng, 9 người bị thương đang chống chọi với tử thần trong bệnh viện, nhiều căn nhà bị san phẳng, nhiều ngôi nhà khác trong làng bị tốc mái, vỡ kính, đạn vãi kín sân.

Đây không phải là lần đầu tiên xảy ra chuyện cháy nổ ở các điểm mua bán, chế xuất phế liệu. Từ nhiều năm qua trong cả nước đã xảy ra hàng trăm vụ nổ tương tự ở các cơ sở kinh doanh phế liệu, ở các “làng cưa bom”, “làng mổ xác máy bay, xe bọc thép”, gây nên thảm cảnh tang thương cho nhiều gia đình. Ở những cơ sở, ngôi làng mang tên “tử thần” đó, nhân danh sự mưu sinh nhiều người đã vô tư mua bán, vận chuyển, tàng trữ vật liệu nổ, dùng các dụng cụ thô sơ, tự chế để cưa, cắt bom, mìn hay các vật liệu dễ cháy nổ với mục đích lấy sắt vụn, tạo nên mối ẩn họa thường trực trong khu dân cư.

Vụ nổ ở thôn Quan Độ ngày 3-1-2018 là một cảnh báo về tình trạng buôn bán, kinh doanh vũ khí vật liệu nổ tràn lan, thiếu sự quản lý, giám sát chặt chẽ của cơ quan chức năng và chính quyền địa phương. Đồng thời nhắc nhở, khuyến cáo người dân, cơ quan, đơn vị cần nâng cao nhận thức, chủ động phòng ngừa các sự cố cháy nổ khác như sử dụng điện bất cẩn, tích trữ hàng hóa thiếu an toàn, đặc biệt là tình trạng sang chiết gas và kinh doanh pháo lậu. Những ngày gần đây, lực lượng chức năng các địa phương liên tục phát hiện, bắt giữ nhiều vụ vận chuyển pháo lậu, cho thấy hoạt động kinh doanh, vận chuyển, tàng trữ pháo lậu đang nóng lên, đồng nghĩa với việc nguy cơ cháy nổ tại các khu dân cư càng tăng cao hơn, do các hoạt động liều lĩnh buôn bán, vận chuyển, tàng trữ pháo lậu gây ra.

Thực tế cho thấy đã từng có nhiều vụ cháy nổ xảy ra trong dịp cuối năm do các cơ sở sản xuất, kinh doanh, hộ dân còn xem nhẹ, không tuân thủ các quy định an toàn về phòng cháy chữa cháy (PCCC) mà hậu quả cũng nghiêm trọng không thua kém vụ nổ ở thôn Quan Độ. Chính sự thờ ơ, thiếu ý thức của một số hộ kinh doanh, cơ quan đơn vị là nguyên nhân dẫn đến thảm họa cháy nổ, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản, cho dù cơ quan chức năng đã liên tục nhắc nhở, cảnh báo.

Chúng ta hoàn toàn không thiếu các giải pháp phòng ngừa cháy nổ. Chính quyền địa phương và cơ quan chức năng vẫn thường xuyên truyền thông, nhắc nhở các cơ sở sản xuất, kinh doanh, hộ dân nâng cao ý thức phòng chống cháy nổ, không lơ là, chủ quan trong việc sử dụng nguồn lửa, điện để đun nấu, thắp hương thờ cúng, đốt vàng mã, không tồn trữ nhiều hóa chất, chất dễ cháy, nổ; Trang bị thiết bị chữa cháy để có thể dập tắt đám cháy một cách nhanh nhất khi mới phát sinh; Phát triển mạng lưới cấp nước phục vụ công tác PCCC trên địa bàn; Tập huấn về PCCC cho các cơ quan, đơn vị, hộ gia đình; Tiến hành kiểm tra, rà soát các điểm tập kết, kinh doanh phế liệu, nhất là các cơ sở thu mua phế liệu có dấu hiệu buôn bán vũ khí vật liệu nổ; Xử lý hình sự các hành vi liên quan đến vận chuyển, buôn bán chất nổ trái phép… Nói chung, giải pháp phòng ngừa khá đầy đủ nhưng vì thiếu 2 điều quan trọng nên cháy nổ vẫn cứ xảy ra. Đó là ý thức về PCCC của một số cơ quan, đơn vị và người dân chưa cao và chính quyền địa phương còn xem nhẹ công tác quản lý phòng ngừa cháy nổ, nhất là với các “phế liệu chiến tranh” .

Vụ nổ ở thôn Quan Độ liệu có đủ “độ rung” khiến chính quyền địa phương, các cơ quan, đơn vị, hộ dân “giật mình nhìn lại”, bắt tay chấn chỉnh, tăng cường “hai điều thiếu” trên đây để hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại nếu thảm họa cháy nổ xảy ra?

NGUYỄN TRIỆU HẢI

.
.
.