.

Lan tỏa lòng nhân ái

Cập nhật: 11:11, 05/01/2018 (GMT+7)

Những ngày này, chị Minh Hằng, hàng xóm nhà tôi đang tất bật với việc vận động 100 suất quà Tết tặng đồng bào nghèo trên địa bàn tỉnh. Đây là một công việc khá thường xuyên của chị từ hàng chục năm qua. Mỗi năm mấy đợt, chị quyên góp tiền, học bổng, quần áo, sách vở cũ và quà để tặng học sinh, người nghèo vào những dịp lễ, tết: Tết Nguyên đán, Quốc tế thiếu nhi, Tết Trung thu hoặc đầu năm học mới.

Trước khi thực hiện một chuyến tặng quà, chị thường khảo sát kỹ từng hoàn cảnh cần giúp đỡ, chụp ảnh nhân vật và gia cảnh rồi đăng lên facebook để tăng tính thuyết phục. Do làm việc uy tín nên khi chị kêu gọi, bạn bè, cộng đồng đều hết lòng ủng hộ. Đôi lần, mọi người đóng góp còn thiếu, chị lại tự nguyện móc hầu bao cho đủ số quà cần tặng, dù trước đó cũng đã đóng góp. Trong những chuyến đi trao quà, chị luôn cố gắng sắp xếp đưa 2 con (HS lớp 8 và lớp 3) đi cùng. Chị lý giải, đó là cách để dạy các con biết sẻ chia với những người còn khó khăn hơn mình, đồng thời giúp bọn trẻ biết được rằng, mình may mắn hơn các bạn đồng trang lứa, từ đó biết quý trọng những gì mình đang có. “Sau những chuyến đi như thế, các con tôi đã biết giữ gìn quần áo, sách vở sạch sẽ và biết để dành tiền ăn quà vặt để tặng các bạn học sinh nghèo. Đó là những điều quý giá mà tôi nhận được trong hoạt động vì cộng đồng”, chị Minh Hằng chia sẻ.

Tôi có vài người quen cả ngoài đời thực và trên mạng xã hội facebook, có chung sở thích rất nhân văn như chị Minh Hằng. Thỉnh thoảng họ lại viết status (trạng thái) trên trang cá nhân của mình kêu gọi bạn bè, cộng đồng đóng góp giúp trẻ em nghèo trong những dịp đặc biệt hay ai đó có hoàn cảnh khó khăn đột xuất. Đầu năm học, họ quyên góp quần áo đồng phục, đồ dùng học tập, vận động học bổng cho học sinh nghèo. Khi mùa Đông đến, họ xin quần áo ấm đã qua sử dụng để gửi đến đồng bào nghèo ở vùng sâu, vùng xa, miền núi. Quần áo, đồ dùng sau khi quyên góp được, họ giặt giũ sạch sẽ, phân loại rồi đích thân tổ chức đoàn đi trao (kết hợp trao quà) hoặc gửi nhờ người thân, quen để chuyển đến những người cần trao. Các khoản tiền nhận được, họ ghi rõ ràng việc thu-chi và công khai để mọi người cùng biết.

Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta chứng kiến biết bao hành động nhân ái như thế. Tôi biết, có những người tháng nào cũng để dành một phần lương hưu cùng vài ngày công để đóng góp và trực tiếp phục vụ tại các bếp ăn tình thương trong các bệnh viện trên địa bàn tỉnh hoặc quán cơm dành cho người nghèo (2.000 đồng/suất) ở Vũng Tàu. Một anh bạn là công chức thì hễ đọc báo thấy viết về hoàn cảnh học sinh, sinh viên khó khăn là lại lẳng lặng chuyển tiền giúp đỡ nhưng không ghi tên tuổi, địa chỉ. Anh bảo không muốn người được giúp đỡ mang nợ mình và mỗi khi giúp đỡ được ai đó, anh luôn thấy lòng mình vui sướng, hạnh phúc. Qúy hóa biết bao khi nhiều người coi việc chia sẻ với người nghèo khó là niềm vui sống của mình!

Tôi nghiệm ra rằng, lòng nhân ái không phải là điều gì quá cao xa, không phải là việc gì quá khó thực hiện mà ai cũng có thể làm được trong điều kiện và khả năng của mình. Một đứa trẻ có thể giúp dắt cụ già mắt kém, chân yếu qua đường; một em học sinh có thể nhịn vài bữa ăn vặt, nhịn mua vài tập truyện tranh để dành tiền mua sách, vở tặng bạn nghèo. Hai thanh niên có ứng xử đẹp khi va chạm giao thông, thay vì đổ lỗi cho nhau hoặc phân xử thắng thua bằng nắm đấm… Tất cả những việc làm như thế, dù nhỏ - cũng đều là những hành động nhân ái.

Kinh tế đất nước ngày càng phát triển. Theo đó, đời sống, thu nhập của nhiều gia đình ngày càng được cải thiện, nâng cao. Nhưng đất nước ta cũng còn nhiều gia đình khó khăn, cần được giúp đỡ. Những tấm lòng nhân ái như thế rất cần được nhân rộng, lan tỏa để xã hội ngày càng tốt đẹp hơn.

NGUYỄN ĐỨC

.
.
.