.

Sử dụng tiền lẻ đúng cách

Cập nhật: 16:56, 10/01/2018 (GMT+7)

Tại buổi họp báo triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2018 vào chiều ngày   8-1 vừa qua, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú, cho biết: Năm 2018, NHNN vẫn in đầy đủ mệnh giá tiền lẻ, nhưng mệnh giá nào cần nhiều thì in nhiều. Trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, NHNN không đưa tiền mới ra lưu thông, đặc biệt với tiền mệnh giá nhỏ để tránh việc nhiều người đưa cả thếp tiền mới mệnh giá nhỏ vào việc cúng bái, sau Tết thu về chất trong kho rất lãng phí. Việc không phát hành tiền mới in dịp Tết Nguyên đán năm 2018 giúp tiết kiệm khoảng 280 tỷ đồng, nâng tổng mức chi phí tiết giảm ngân sách Nhà nước khi thực hiện chủ trương này từ năm 2013 đến nay lên đến khoảng gần 2.200 tỷ đồng.

Trong thông điệp trên của lãnh đạo NHNN cho thấy một thực tế, những năm qua, người ta thường sử dụng tiền lẻ để làm lễ vật cúng bái đền, miếu, chùa chiền vào mỗi dịp Tết dần trở thành thói quen phổ biến ở nhiều địa phương. Nhu cầu sử dụng tiền lẻ để cúng bái đã làm phát sinh dịch vụ cung ứng tiền lẻ trên thị trường tự do. Hiện tại, chỉ còn mấy tuần nữa là đến Tết Nguyên đán Mậu Tuất, thời điểm này dịch vụ đổi tiền lẻ được rao khắp các trang mạng xã hội, công khai phí thu đổi tiền mới cho các mệnh giá. Phổ biến như, mệnh giá 20.000 đồng thu phí 8%, 10.000 đồng 9%, mệnh giá 2.000 và 5.000 đồng là 10%, nhưng mệnh giá 1.000 đồng mức phí tăng lên 30%, mệnh giá 500 đồng lên đến 80-90%. Các dịch vụ đổi tiền tính theo tép, mỗi tép 100 tờ chứ không đổi lẻ.

Không biết việc dùng tiền lẻ để cúng bái có nhận được sự linh ứng với lời cầu nguyện ban phúc lộc của trời phật dành cho người dâng cúng hay không, nhưng việc dùng tiền lẻ để cúng bái khiến cho những người có đức tin thực sự cảm thấy bị xúc phạm. Bởi, việc thờ cúng trời phật, thần linh của người Việt từ lâu đời nay là phải dùng lễ vật. Lễ vật có khi chỉ là dĩa trái cây, bó hoa, nén nhang cũng đủ thể hiện cái tâm của họ. Còn việc cúng tiền đặt tại các bàn thờ, nhét tiền vào tay hoặc đặt dưới chân tượng, thậm chí để tiền vào những bát hương nhỏ dưới gốc cây rải khắp trong khuôn viên đền, chùa, miếu mạo trông rất phản cảm. Nhìn bên ngoài, chẳng khác gì người ta “trả tiền” cho trời phật, thần thánh để được ban phúc lộc, làm mất đi sắc thái tâm linh của việc cúng bái, viếng chùa vào mỗi dịp Tết đến - Xuân về.

Đồng tiền thể hiện chủ quyền, vị thế, uy tín của một quốc gia. Mặt khác, trên các loại mệnh giá tiền hiện nay của nước ta đều có in hình lãnh tụ Hồ Chí Minh - nhân vật kiệt xuất được cả dân tộc Việt Nam và thế giới ngưỡng mộ. Do vậy, các cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về việc dùng tiền lẻ để cúng bái là hành vi sử dụng tiền sai chức năng thanh toán của tiền tệ; không tôn trọng chủ quyền, vị thế, uy tín của nước CHXHCN Việt Nam. Bên cạnh đó, các đơn vị trực thuộc NHNN cần phối hợp với các đơn vị có liên quan để tăng cường công tác kiểm tra, xử lý đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ đổi tiền hưởng chênh lệch theo quy định tại Nghị định 96/2014/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng (người đổi tiền lẻ hưởng chênh lệch không đúng quy định sẽ bị xử phạt từ 20-40 triệu đồng). Có như vậy, sẽ tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước về tiền tệ trong lưu thông; hạn chế việc người dân sử dụng tiền lẻ để cúng bái không đúng cách, không đúng chức năng thanh toán của tiền tệ, nâng cao nhận thức trân trọng và bảo vệ giá trị đồng tiền Việt Nam.

NHỰT THANH

.
.
.