.

Tết Việt, tiết kiệm chi tiêu!

Cập nhật: 19:10, 18/01/2018 (GMT+7)

Đón Xuân Mậu Tuất bàn chuyện tiết kiệm chi tiêu trong tiêu dùng cũng là việc nên làm. Đảng và Nhà nước, lãnh đạo tỉnh BR-VT đã có chỉ thị nhắc nhở, hướng dẫn cán bộ, nhân dân tổ chức ăn Tết Nguyên đán vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm.

Năm 2017, trong bối cảnh phải đối mặt với không ít thách thức, khó khăn, thiên tai khắc nghiêt, nắng hạn, bão lũ dồn dập, nhưng đất nước ta vẫn giành nhiều thành tựu quan trọng về kinh tế - xã hội, hoạt động đối ngoại, quốc phòng an ninh. Nhiều chỉ tiêu kinh tế đạt và vượt mức kế hoạch, một số chỉ tiêu đạt kỷ lục - niềm mơ ước của nhiều năm nay mới thành hiện thực. Tốc độ tăng trưởng khá, lạm phát được kiểm soát, tỉ giá đồng tiền ổn định, dự trữ ngoại hối xấp xỉ 55 tỉ USD - cao nhất từ trước đến nay, thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 2.400 USD.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phân tích, những thành tựu kinh tế - xã hội của năm 2017 là rất đáng khích lệ. Đó là  kết quả của quá trình lao động sản xuất cần cù, sáng tạo, phấn đấu không mệt mỏi của cán bộ, quân và dân cả nước. Tuy nhiên, những kết quả đó so với nhiều quốc gia phát triển trên thế giới  vẫn còn thấp. Thủ tướng nói vui mà cũng là sự nhắc nhở: Mức thu nhập 2.400 USD/người/năm thì có gì mà tự hào, bởi thế giới người ta đã ở ngưỡng thu nhập 30.000-40.000USD/người/năm - nhiều nước Bắc Âu vượt ngưỡng như vừa nêu gấp  nhiều lần.

Bài toán tiết kiệm chi tiêu trong tiêu dùng cần được đặt ra một cách quyết liệt, như Bác Hồ đã dạy, của cải làm ra mà ăn tiêu xa xỉ, không biết dành dụm, không cần kiệm thì khác nào gió vào nhà trống(!). Một cuộc hội thảo khoa học với chủ đề “Đạo đức cần - kiệm, Văn hóa cần kiệm” vừa diễn ra tại Hà Nội, theo đó  tiết kiệm trong tiêu dùng phải được xây dựng để trở thành ý thức, nếp sống, văn hóa của  người Việt.

 Một tài liệu nghiên cứu nghiêm túc mới đây cho thấy, nếp sống của người Việt thời hiện đại đã có nhiều thay đổi so với các thế hệ người Việt trước đây. Điều cần đặc biệt quan tâm, đó là những thay đổi theo hướng tiêu cực, chạy theo lối sống thực dụng, phung phí  tiền bạc vào những việc không thiết thực, xa lạ với cuộc sống hiện thực chung quanh.  Trong khi đất nước còn nghèo, nhiều triệu người lao động thiếu việc làm, thu nhập cho cuộc sống  bấp bênh, vùng sâu, vùng xa, vùng thiên tai khắc nghiệt, nhiều trẻ em, cụ già  thiếu thốn trăm bề, liệu có nên cổ súy một số bộ phận người trong xã hội chạy theo lối sống tiêu dùng xa xỉ, ăn chơi lãng phí?

Báo cáo tổng quan thị trường tài chính năm 2017 của Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia, tín dụng tiêu dùng cả nước năm 2017 là hơn 1,1 triệu tỉ đồng, tăng 65% so với năm 2016. Trong số tín dụng tiêu dùng này, bên cạnh việc mua sắm những thứ  cần thiết cho cuộc sống,  có hơn 50%  tín dụng lại sử dụng vào những việc mua sắm chưa cần thiết, nếu không muốn nói là xa lạ với khả năng và cuộc sống thực tại. Không ít người có mức thu nhập thấp, thậm chí không có việc làm ổn định, một số sinh viên mới ra trường còn thất nghiệp  vẫn vay nợ trả góp để sắm điện thoại di động thông minh vài chục triệu đồng, sắm xe máy hàng hiệu đắt tiền.

Tệ uống bia rượu vô tội vạ của một bộ phận người Việt cũng là một thói xấu gây lãng phí đáng kể. Nhà hàng, quán nhậu mọc lên như nấm khắp mọi nơi. Mỗi năm, Việt Nam tiêu xài trên dưới 3,5 tỉ lít bia. Ông chủ mới của hãng bia rượu, nước giải khát Sài Gòn nêu chỉ tiêu, năm 2018  sẽ sản xuất và đưa ra thị trường ít nhất 2,9 tỉ lít bia. Trên thế giới, không có một quốc gia nào  xài - nghiện ngập bia rượu như ở Việt Nam. Vùi vào quán nhậu, vào bia rượu, không chỉ lãng phí tiền bạc, thời gian mà còn nguy  hại, ảnh hưởng rất xấu đến sức khỏe, sự minh mẫn, dẫn đến lối sống  bê tha, bừa bãi, thậm chí say xỉn gây tai nạn giao thông, ẩu đả, đâm chém, sát phạt lẫn nhau.

Xuân về - Tết đến, có nhiều thứ cần thiết mua sắm, tiêu dùng, tạo cho những cuộc sum vầy đoàn tụ gia đình, bạn bè đủ đầy, nồng ấm. Nhưng tất cả đều phải cân nhắc, theo phương châm của nhà tiêu dùng thông thái: “Làm ra đồng tiền rất nhọc nhằn. Nếu thực sự cần thì tiền triệu không tiếc, nếu không cần thì một đồng cũng không tiêu”. Ngày nay hàng hóa do Việt Nam sản xuất chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, giá cả phải chăng, người Việt Nam hãy ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Đạo đức cần kiệm, văn hóa cần kiệm trong tiêu dùng chính là lời dạy, là tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

HẢI VÂN

 

.
.
.