Không chỉ là chuyện trật tự, vệ sinh
Thêm một lần nữa, việc dọn dẹp vỉa hè, lòng lề đường ở các đô thị của nước ta bị thất bại. Ông Đoàn Ngọc Hải, Phó Chủ tịch UBND quận 1, TP.HCM, người trực tiếp xuống đường chỉ huy việc lập lại trật tự vỉa hè, lòng lề đường tại địa phương này hồi năm 2017, vừa nộp đơn từ chức. Từ tháng 1 đến tháng 10-2017, công tác lập lại trật tự vỉa hè, lòng lề đường của quận 1, TP.HCM đã tạo hiệu ứng tích cực cho cả nước, nhưng cuối cùng, vẫn thấy mình “không thực hiện được lời hứa trước nhân dân” là giải quyết dứt điểm vấn đề này, nên ông Hải xin rời khỏi chức vụ.
Thật tình, khi chiến dịch dọn dẹp vỉa hè năm 2017 diễn ra tại quận 1, TP.HCM và nhiều nơi khác trên cả nước, nhiều người đã hoài nghi khi nhắc lại kết quả “đá ném ao bèo” của nhiều chiến dịch trước và đặt vấn đề rằng, có lẽ do các đô thị của nước ta đều quá tải về dân số và cơ sở hạ tầng, “nền kinh tế vỉa hè” còn cơ sở vững chắc để tồn tại, nên việc giải tỏa trắng vỉa hè là không thể, dù có làm quyết liệt đến mấy cũng không thành công; vì thế nên chấp nhận thực tế đó và thay đổi cách hành xử của chúng ta với vỉa hè.
Nhưng, dù với cách gì, thì trước tiên cũng cần trả lời câu hỏi là, trong hoàn cảnh hiện nay, vỉa hè dùng để làm gì? Để làm chỗ cho người đi bộ, làm nơi kinh doanh buôn bán, tổ chức các sinh hoạt của cộng đồng (như đi bộ, tập thể dục, biểu diễn nghệ thuật…), hay là tất cả những thứ đó? Nó có cần phải giải tỏa trắng, hay cứ để chúng mang lại lợi nhuận nhưng phải sắp xếp cho gọn gàng?
Có một “ông Tây” tên Martin Rama, là nhà kinh tế làm việc cho Ngân hàng Thế giới, sống ở Hà Nội từ 2002 đến 2010, rất yêu Hà Nội (HN) và có một góc nhìn vừa tinh tế vừa thực tế về vỉa hè ở đây. Theo ông, người nước ngoài mới đến HN ai cũng thấy vỉa hè ở đây thật kinh khủng. Nó là nơi người ta dựng xe máy, bày bán thức ăn đường phố “giữa mù mịt khói xe, bụi đường” và “rửa hàng trăm chén bát ly cốc trong cùng một chậu nước”.v.v… Nhưng sau đó không lâu, họ nhận ra vỉa hè HN mang một cá tính mạnh, làm nên nét riêng biệt của HN, ví dụ như vỉa hè là những chỗ tuyệt vời để tìm mua ít hoa quả, cắt tóc hay sắm một chậu cây cảnh, Họ cũng thấy tuy vệ sinh của thức ăn đường phố không tốt lắm, nhưng nguyên liệu thì luôn tươi ngon, cách chế biến tinh tế không thua đồ ăn trong nhà hàng mà rẻ hơn, khiến thực khách thú vị đến mức coi vệ sinh không còn là chuyện nghiêm trọng. Chỗ ngồi ăn có thể bừa bộn, nhưng là nơi gần nhất để nhìn cuộc sống đang diễn ra xung quanh - thấy người bán hàng rong sắp xếp gánh hàng, thấy bà mẹ cho con bú, các cụ già đi dạo, những người đàn ông ngồi đánh cờ tướng bên gốc cây.v.v...
Tuy là ý kiến để tham khảo, nhưng phát biểu của ông ấy quả thật cũng đã làm chúng ta phải ngẫm lại và thấy yêu hơn cái vỉa hè còn lộn xộn của chúng ta. Chỉ có điều, dù sao vỉa hè cũng cần phải bố trí lại cho có quy củ. Vừa muốn quy củ, vừa muốn nó giữ được truyền thống, phù hợp với đời sống, tập quán sinh hoạt của người dân, thì là chuyện khó. Nhưng nếu xem hoạt động của vỉa hè hiện nay là sự cộng sinh rất nhiều thứ của đời sống thường nhật tại đô thị, thì vỉa hè chỉ nên sắp xếp có trật tự hơn, thay vì cưỡng chế dẹp bỏ toàn bộ chỉ để lấy lối dành riêng cho người đi bộ mà thôi.
So với TP.HCM, TP.Hà Nội đang có một cách làm khác, là tăng gấp 3 lần mức phí sử dụng vỉa hè, lòng đường ở khu trung tâm và tiến tới đấu giá việc sử dụng lòng đường, vỉa hè. Theo giải thích của chính quyền thành phố, đây là cách dùng biện pháp kinh tế để sắp xếp cho vỉa hè, lòng lề đường “được quy củ hơn”.
“Vấn đề” của vỉa hè không chỉ là chuyện trật tự, vệ sinh; mà bản chất của nó là vấn đề kinh tế - xã hội, nên việc giải quyết nó cũng luôn khó khăn và cần những giải pháp, lộ trình phù hợp, giống như với giải quyết các vấn đề kinh tế - xã hội khác.
HẢI THANH