Khuyến khích người dân tham gia BHXH tự nguyện
Bảo hiểm xã hội (BHXH) là một chính sách quan trọng trong hệ thống an sinh xã hội của nước ta. Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2016, tuy nhiên, một số quy định mới về chính sách BHXH được áp dụng và có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2018. Trong đó, có chính sách hỗ trợ người tham gia BHXH theo hình thức tự nguyện để hưởng chế độ BHXH sau này.
Theo BHXH Việt Nam, đến quý IV-2017, cả nước có gần 13,5 triệu người tham gia BHXH, trong đó BHXH bắt buộc hơn 13,2 triệu người, BHXH tự nguyện hơn 220 ngàn người. Riêng tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu có 3.065 người tham gia BHXH tự nguyện. Các số liệu này cho thấy, số người đang tham gia BHXH tự nguyện còn quá thấp so với các đối tượng tham gia BHXH tự nguyện đã được mở rộng theo Luật BHXH năm 2014. Có nhiều nguyên nhân dẫn tới trình trạng này, nhưng khó khăn về tài chính của người tham gia BHXH tự nguyện cũng là một hạn chế nhất định.
Với chính sách BHXH mới được áp dụng từ 1-1-2018, Nhà nước sẽ thực hiện việc chi ngân sách hỗ trợ tiền đóng BHXH cho người tham gia BHXH tự nguyện với tỷ lệ từ 10% đến 30% trên mức đóng BHXH hàng tháng (22%), dựa trên chuẩn nghèo của khu vực nông thôn giai đoạn 2016-2020.
Nhà nước cũng cho phép áp dụng phương thức đóng tiền BHXH linh hoạt, tùy theo khả năng tài chính mà người tham gia BHXH tự nguyện có thể đóng hàng tháng, 3 tháng, 6 tháng hoặc 12 tháng một lần; đóng một lần cho nhiều năm về sau; đóng một lần cho những năm còn thiếu đối với người tham gia BHXH đã đủ điều kiện về tuổi nghỉ hưu (nam 60 tuổi, nữ 55 tuổi) cho đủ 20 năm đóng BHXH để hưởng lương hưu.
Những chế độ hỗ trợ nêu trên cho thấy Nhà nước đã có những nỗ lực rất lớn nhằm khuyến khích người dân tham gia BHXH tự nguyện. Tuy nhiên, để thu hút thêm nhiều đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, chính sách BHXH tự nguyện cần tiếp tục được đổi mới mạnh mẽ, phải bảo đảm tính công bằng, nhân văn, ưu tiên đối với những lao động là người khuyết tật, lao động là người dân tộc thiểu số… Tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người lao động, nhất là đối với nông dân, người lao động làm việc ở các lĩnh vực, nghề, dịch vụ đơn giản, trình độ tay nghề thấp… qua đó, giúp người dân thông hiểu chính sách, nắm được quy trình, thủ tục tham gia và chế độ được hưởng khi tham gia BHXH tự nguyện. Mặt khác, Nhà nước có cơ chế khuyến khích các cơ quan, tổ chức và cá nhân hỗ trợ tiền đóng BHXH cho người tham gia BHXH tự nguyện. Đối với ngành BHXH, tiếp tục đổi mới phương thức tổ chức BHXH tự nguyện, xem các đối tượng tham gia BHXH tự nguyện là khách hàng để có chiến lược tiếp thị, quảng bá phù hợp; Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực hoạt động của đội ngũ cán bộ, ứng dụng có hiệu quả công nghệ thông tin trong quản lý loại hình BHXH tự nguyện. Có như vậy, mới: “Thực hiện có hiệu quả các chính sách, chế độ BHXH, bảo hiểm y tế; tăng nhanh diện bao phủ đối tượng tham gia BHXH, nhất là BHXH tự nguyện…” như Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 22-11-2012 của Bộ Chính trị đã xác định.
NHỰT THANH