.

Nghệ thuật quảng bá thời công nghệ

Cập nhật: 20:42, 19/01/2018 (GMT+7)

Sáng Chủ nhật, tôi uống cà phê với một anh bạn làm nghề tổ chức sự kiện và dịch vụ âm thanh, ánh sáng ở TP.Vũng Tàu. Gặp nhau, khuôn mặt anh buồn buồn, không sôi nổi như mấy hôm trước. Thì ra, anh vừa hụt một hợp đồng trang trí sân khấu, phục vụ âm thanh, ánh sáng trị giá gần 100 triệu đồng. 

Nguyên nhân khiến công ty anh không được khách hàng chọn không phải vì thiếu năng lực hay giá cả mà vì cách giới thiệu của công ty đối trọng từ TP.Hồ Chí Minh quá thuyết phục. Họ mở máy vi tính kết nối với màn chiếu và phát một video clip cho khách hàng xem. Chỉ với 1 phút 30 giây, video clip cung cấp đầy đủ thông tin, hình ảnh, âm thanh về năng lực của công ty cùng các sự kiện tương tự họ đã từng thực hiện và đưa ra 4 gói dịch vụ để khách hàng lựa chọn. Video clip giúp công ty đạt được 2 mục đích, đó là giới thiệu ngành nghề kinh doanh, hoạt động, chứng minh năng lực của công ty và thuyết phục được khách hàng ký hợp đồng. 

Câu chuyện anh kể làm tôi liên tưởng đến công tác tuyên truyền trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua. Việc tuyên truyền, thuyết phục hiện nay đã thực sự đạt được hiệu quả như mong muốn chưa? Để trả lời được câu hỏi này, bản thân những người làm công tác tuyên truyền phải thẳng thắn nhìn nhận: Cách thức, nội dung truyền đạt của mình có làm cho người dân thích hay chưa? Hay là diễn giả cứ nói “thao thao” trên bục, ở dưới người dự chăm chú mà làm việc riêng. Những hình ảnh này không phải là ít gặp trong các buổi tuyên truyền tại các khu dân cư. Khi người dân không thích, không quan tâm thì việc tuyên truyền khó đạt được kết quả như mong muốn.

Trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, việc tuyên truyền, thuyết phục càng gặp khó khăn hơn. Một người có thể bỏ hàng giờ để lướt Facebook, lướt mạng về những gì mà họ thích chỉ với chiếc điện thoại thông minh có kết nối Internet. Nhưng mời họ đến hội trường để tuyên truyền thì họ không mặn mà, có đi thì cũng trong trạng thái miễn cưỡng. Vì vậy, những người làm công tác tuyên truyền cần biết và sử dụng thành thạo những ứng dụng công nghệ để tuyên truyền, thuyết phục như cách làm video clip của công ty tổ chức sự kiện và dịch vụ âm thanh, ánh sáng ở TP.Hồ Chí Minh nọ. Nội dung tuyên truyền cần ngắn gọn kèm theo nhiều hình ảnh, đoạn phim minh họa, âm thanh rõ ràng để tạo sự hấp dẫn, thích thú, dễ hiểu cho người xem. Một video clip tuyên truyền về một vấn đề có thời lượng từ 1 đến 3 phút là vừa đủ, để người xem thấy có ích, lại không mất nhiều thời gian; từ đó nhớ và nhận thức đúng để làm theo. 

Đơn cử như để tuyên truyền cho việc về giữ gìn vệ sinh khu dân cư, nên có hình thực tế hoặc đồ họa cảnh người dân vứt rác ra đường, vỉa hè gây khó chịu cho người đi đường; cảnh ô nhiễm ở khu dân cư ảnh hưởng thế nào đến sức khỏe và cuộc sống người dân, các bệnh có thể mắc phải vì ô nhiễm bằng những hình ảnh và số liệu cụ thể; cảnh lực lượng chức năng xử phạt hành chính người xả rác không đúng nơi quy định theo Nghị định 155/2016/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. 

Tuyên truyền, thuyết phục có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển của đất nước nói chung và tỉnh BR-VT nói riêng. Tuyên truyền, thuyết phục nhằm hướng dẫn, định hướng suy nghĩ và hành động của quần chúng; vạch trần âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch; chống quan liêu, tham nhũng; biểu dương, khuyến khích những điển hình tiên tiến; tăng cường mối quan hệ giữa Đảng với dân, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Do đó, những người làm công tác tuyên truyền cần tuyên truyền có trọng tâm, trọng điểm, ngắn gọn, cụ thể, với hình thức hấp dẫn, thu hút để nhân dân thấy đúng, hay, tin và làm theo.

PHÚC LƯU

.
.
.