Nghĩ từ chuyện thưởng Tết…
Khi nhìn vào “bức tranh” thưởng Tết những năm gần đây, không ít người đã ví von hình tượng: “Kẻ đỉnh cao, người vực sâu”. Đúng là mức thưởng Tết thấp nhất và cao nhất có khoảng cách rất xa. Trong khi có người được thưởng tiền tỷ thì có những người ngậm ngùi với khoản tiền thưởng vài chục ngàn đồng, hoặc… không gì cả. “Sự chênh lệch về tiền thưởng Tết phản ánh sự phân hóa thu nhập, phân hóa giàu nghèo ngày càng lớn trong xã hội”, các chuyên gia kinh tế và xã hội nhận định.
Hơn 30 năm trước, khi đất nước đi vào đổi mới và khi sự phân hóa giàu nghèo bắt đầu manh nha, có không ít người cho rằng hễ có một người giàu lên thì phải có một người khác nghèo đi. Lối suy nghĩ cứng nhắc như thế khiến chúng ta liên tưởng đến hình ảnh một chiếc bánh phải chia đều cho mọi người. Chúng ta đã có một thời gian dài chia đều với nhau sự nghèo khó nhân danh công bằng. Giờ đây nhiều người đã nghĩ khác, chiếc bánh được chia đều không phải là hình ảnh nói lên sự công bằng xã hội nữa. Nay thì những người tạo ra một giá trị cao hơn có quyền được hưởng phần bánh nhiều hơn, để làm ra thêm những chiếc bánh khác. Chi tiêu trong xã hội của người này sẽ tạo ra một giá trị mới mà người khác được hưởng bằng chính công sức khiêm tốn cuả mình. Đó chính là một đặc tính của kinh tế thị trường.
Giàu nghèo là chuyện muôn đời và phân hóa trong xã hội thì ở đâu cũng có, nhiều hay ít là do con đường chúng ta đi. Cuộc sống bình thường cho chúng ta hiểu rằng, không ai có được nhiều thứ cùng một lúc. Đời sống kinh tế là sự khái quát cao hơn của cuộc sống bình thường ấy. Chọn con đường kinh tế đóng cửa thì được một điều là phân hóa giàu nghèo không bao nhiêu, nhưng đất nước thì cứ ì ạch mãi. Chọn con đường kinh tế mở cửa thì đất nước nhanh chóng mạnh giàu, phân hóa giàu nghèo bước đầu căng thẳng. Nhưng rồi đời sống của đại bộ phận người dân ngày càng được cải thiện, khi những công cụ tái phân phối lợi tức xã hội như thuế và các chính sách điều tiết vĩ mô làm tốt chức năng.
Trong nhiều báo cáo của mình, Ngân hàng Thế giới đã nhận định rằng điều kiện sống của người dân Việt Nam đã không ngừng được cải thiện. Vào giữa thập niên 80 của thế kỷ trước, cứ 10 người dân Việt Nam thì có 7 người nghèo khó, vậy mà 10 năm sau, con số này đã giảm phân nửa. Tỷ lệ người sống dưới mức nghèo khó từ 58% vào năm 1993, đã xuống còn 37% vào năm 1998, và nay sau nhiều năm đẩy mạnh chương trình xóa đói giảm nghèo, con số người nghèo đã giảm đi đáng kể, cả nước chỉ còn khoảng 1,9 triệu hộ nghèo, hơn 1,3 triệu hộ cận nghèo, tập trung ở vùng sâu, vùng xa, vùng chịu nhiều ảnh hưởng của thiên tai. Đây là một tiến bộ trong việc giảm số người nghèo mà theo tổ chức này, hầu như không có nước nào đạt được trong một thời gian ngắn như Việt Nam.
Trong những yếu tố tác động làm giảm bớt sự phân hóa giàu nghèo, có một điều được nhìn thấy rõ, ấy là số người giàu nhờ thành công trong làm ăn sẽ tạo thêm nhiều việc làm, giúp cho người không được may mắn vượt khó. Muốn được như vậy thì cần phải tôn vinh và học hỏi những người biết làm giàu chính đáng bởi họ thật sự là những người giỏi và chính họ góp công lớn để đem lại một thế giới văn minh, tốt đẹp hơn.
Cũng có người bức xúc về sự phân hóa giàu nghèo, đã đổ lỗi sự băng hoại xã hội cho kinh tế thị trường và nhìn sự giàu có của người này qua lăng kính nghèo khó của người khác. Đem từng số phận bất hạnh để nói về sự phân hóa giàu nghèo trong xã hội là chưa thỏa đáng, bởi kết quả nào cũng là sự tổng hòa của nhiều nguyên nhân. Đó là chưa kể có khi mình nghèo không hẳn chỉ do người khác, mà là do chính bản thân hoặc do cuộc sống chưa đủ điều kiện để người nghèo thoát cảnh khó. Muốn xã hội có ít người nghèo, thì phải làm sao có thêm nhiều người biết làm giàu và có tấm lòng tử tế. Muốn xã hội có nhiều người làm giàu tử tế, thì phải mạnh tay với kẻ làm giàu không chính đáng lẫn những ai bòn rút đồng tiền ngân sách. Phép nước không nghiêm, vàng thau lẫn lộn, thì những con người tử tế sẽ ngán ngẩm với chuyện làm giàu, mà khi người dân còn nghèo thì đất nước làm sao thoát ra khỏi cảnh nghèo khó. Dân không giàu đất nước khó có thể hưng thịnh, phú cường!?
NGUYỄN TRIỆU HẢI