.

Cảnh giác nạn trộm cắp cuối năm

Cập nhật: 16:57, 22/01/2018 (GMT+7)

Gần như đã thành lệ, cứ vào dịp cuối năm, các vụ trộm cắp, cướp giật lại gia tăng một cách bất thường. Không chỉ trộm cắp tiền bạc, xe máy, cướp giật các loại tài sản có giá trị, mà ngay cả các sản phẩm nông nghiệp (cam, bưởi, khóm…) chuẩn bị cho dịp Tết cũng phải chịu cảnh vạ lây.

Những ngày vừa qua, Báo BR-VT và các phương tiện truyền thông đã đăng, phát khá nhiều thông tin về vấn nạn trộm cướp xảy ra trên địa bàn các huyện, thành phố. 

Vì sao lại gia tăng nạn trộm cướp vào các dịp lễ Tết, cuối năm? Trong nhiều nguyên nhân, thì nguyên nhân chính dẫn đến sự gia tăng bất thường nạn trộm cắp cuối năm là do người dân mất cảnh giác trước những tệ nạn của xã hội. Mùa “làm ăn” hay “tháng củ mật” như cách gọi dân gian, là thời điểm mà kẻ gian, nhất là các đối tượng lang thang, không có việc làm ổn định, nghiện ngập hàng trắng, nghiện game online… thường lợi dụng sự sơ hở của các cơ quan, đơn vị, hộ gia đình để chôm chỉa. Từ sự bất cẩn, sự lơ là như không khóa cửa hoặc chỉ khóa cửa nhà, cửa phòng làm việc, mà không đóng chốt của sổ, cửa ra vào trên gác, xe máy không khóa, không ai coi giữ... đã “mở đường” cho kẻ gian được dịp ra tay. Dịp cuối năm, cũng là thời điểm người người, nhà nhà lo sắm Tết. Chốn đông người, chen lấn, mải lo chọn hàng và ngã giá mà người mua sắm quên mất chuyện quản lý túi tiền, tạo kẽ hở để bọn móc túi “hành nghề”. Thủ đoạn của kẻ gian cũng hết sức đa dạng, phức tạp và cũng hết sức manh động, liều lĩnh. Không chỉ “ăn hàng” đơn lẻ, mà nhiều khi chúng còn tụ tập thành nhóm, có sự phân công, điều hành để thực hiện hành vi trộm cắp, cướp giật. 

Diễn biến của tình trạng trộm cắp, cướp giật vào các dịp cuối năm, các dịp lễ Tết ngày càng trở nên phức tạp, gây nhiều ảnh hưởng và hệ lụy tới trật tự  an toàn xã hội và đặc biệt là sự an toàn về tài sản, tính mạng của người dân. Việc loại trừ các vấn nạn trộm cắp, cướp giật đòi hỏi cần phải tốn nhiều công sức, thời gian và sự chung tay vào cuộc của toàn xã hội. Điều cấp thiết và hiệu quả hàng đầu là mỗi người, mỗi gia đình, cơ quan, đơn vị cần phải luôn đề cao tinh thần cảnh giác, chủ động trong mọi thời điểm việc quản lý và giữ gìn tài sản của mình. Cấp ủy và chính quyền các cấp cần coi công tác phòng chống trộm, cướp là nhiệm vụ cấp thiết của cả hệ thống chính trị cơ sở; tăng cường và thực hiện có hiệu quả các chương trình phối hợp để đưa ra các biện pháp giúp đỡ các đối tượng thất nghiệp, lang thang có công ăn, việc làm ổn định; nhân rộng các mô hình về phong trào quần chúng đấu tranh phòng, chống trộm cướp. Đồng thời, các cơ quan chức năng, nhất là lực lượng công an cần nắm chắc địa bàn, thực hiện truy tìm nhanh, trấn áp kịp thời các vụ việc trộm cướp; thực hiện giám sát các điểm đen về cướp giật, bảo đảm an toàn tài sản và tính mạng của người dân.

HOÀNG LÊ

.
.
.