.

Cuối năm, lại ám ảnh những cái chết do bia, rượu!

Cập nhật: 20:21, 23/01/2018 (GMT+7)

Theo báo cáo của Ban ATGT tỉnh, từ giữa tháng 12-2017 đến giữa tháng 1-2018, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 47 vụ TNGT làm chết 20 người, bị thương 55 người. Nguyên nhân các vụ TNGT phần lớn là do chạy quá tốc độ, lấn làn, không nhường đường, qua đường không đúng luật. Những nguyên nhân này nếu phân tích sẽ thấy đều xuất phát từ ý thức và sự chủ quan của người lái xe.

Đại diện Ban ATGT tỉnh cho biết, mặc dù chưa ghi nhận số vụ TNGT có liên quan đến bia, rượu trong đó (số liệu này phải cập nhật từ Công an tỉnh và các bệnh viện), nhưng chắc chắn không ít trường hợp người tham gia giao thông đã sử dụng bia, rượu trước khi gây TNGT. Bởi, theo thống kê của Ủy ban ATGT quốc gia, thì số vụ TNGT có liên quan đến bia, rượu chiếm đến gần 40%. Đặc biệt, trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán, số vụ TNGT có nguyên nhân từ hậu quả của bia, rượu luôn tăng cao, nhiều trường hợp để lại hậu quả vô cùng nặng nề. 

Cuối năm là thời điểm diễn ra nhiều tiệc tùng, tân gia, cưới hỏi; các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thường tổ chức liên quan tổng kết một năm nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ; gia đình, bạn bè, người thân cũng có dịp đoàn tụ bên nhau… Đó là lý do khiến mức tiêu thụ bia, rượu tăng mạnh trong dịp này. Bình thường ai cũng biết chỉ cần độ cồn trong máu đạt đến 0,2mg/lít là có thể gây ức chế não bộ, dẫn đến không tự chủ được hành vi, thế nhưng khi vào cuộc nhậu thì ít người còn ý thức được điều này. Nguy hại hơn là nhiều người lỡ uống quá đà mà vẫn vô tư cầm lái, đến khi ra đường không còn làm chủ được tay lái, dẫn đến gây TNGT. Khi sự việc xảy ra rồi thì đã quá muộn, có ân hận cũng không kịp. 

Tháng 6-2017, Ủy ban ATGT quốc gia phối hợp cùng Hiệp hội các DN rượu châu Á - Thái Bình Dương (APISA) ký kết chương trình hợp tác thực hiện các hoạt động “Uống có trách nhiệm và ATGT”. Theo đó, Ban ATGT các địa phương đã tổ chức nhiều hình thức tuyên truyền kết hợp kiểm soát bia, rượu nhằm vào các đối tượng có nguy cơ cao như giới tài xế, thanh niên, sinh viên, công nhân lao động.

Vài năm trước, một số tỉnh, thành đã tổ chức mô hình hoạt động rất thiết thực - mô hình “Đưa người say về nhà”, vận động các chủ nhà hàng, quán nhậu liên kết với các hãng taxi đưa người lỡ uống quá nhiều bia, rượu về tận nhà. Có nơi còn thành lập cả đội xe ôm cung cấp số điện thoại “đường dây nóng” cho các quán nhậu, khi cần chủ quán chỉ cần alo là xe ôm sẽ có mặt ngay để “hộ tống” các “đệ tử lưu linh” về nhà an toàn.

Tuy nhiên, mô hình “Đưa người say về nhà” rất khó duy trì, vì trong quá trình thực hiện dễ xảy ra những rắc rối, phiền nhiễu do người say không làm chủ được hành vi, lời nói, gây thiệt hại hoặc xúc phạm đến các tài xế và chủ quán - những người mà đáng lẽ họ phải coi là ân nhân của mình. Ở góc độ khác, việc tổ chức đưa người say về nhà cũng chỉ là giải pháp ngọn, không giải quyết được triệt để vấn đề TNGT do rượu, bia. Cái gốc ở đây là làm thế nào để thay đổi tư duy, nhận thức của cộng đồng xã hội về thói quen uống bia, rượu.  

“Uống có trách nhiệm” - nói nghe tưởng đơn giản nhưng khi thực hiện thì không dễ, đòi hỏi không chỉ ở ý thức của người tham gia các cuộc vui, mà còn ở các chủ nhà hàng, quán nhậu. Không nên làm ngơ, thậm chí khuyến khích khách uống nhiều bia, rượu để thu được nhiều lợi nhuận bất chấp mọi hậu quả có thể xảy ra. Trên thế giới, nhiều nước đã thực hiện việc cấm bán bia, rượu cho người dưới 18 tuổi, hoặc khống chế số lượng bia, rượu tiêu thụ; thời gian uống bia, rượu vào những giờ nhất định; xử phạt thật nặng những trường hợp lái xe có nồng độ cồn trong cơ thể... Những giải pháp đó đều rất cần được áp dụng đối với một quốc gia có sản lượng tiêu thụ rượu, bia và TNGT do rượu, bia ở mức cao như nước ta, đặc biệt là trong các dịp lễ, Tết, trước mắt nhằm hạn chế những vụ TNGT đáng tiếc xảy ra. 

LAM PHƯƠNG

.
.
.