Không phải chuyện thường đâu!
Trong nhiều biện pháp để giúp Nhật Bản có thể đón được 40 triệu du khách nước ngoài vào năm 2020, Tổng cục Du lịch nước này vừa phát động “chiến dịch” thay thế bồn cầu kiểu ngồi xổm bằng bồn cầu bệt, còn chính phủ cam kết hỗ trợ 1/3 chi phí để khuyến khích các cơ sở du lịch thực hiện sự thay đổi này. Lý do là để phù hợp với thói quen sử dụng của khách phương Tây.
Mới nghe thấy “ông Nhật” này kỳ cục; nhưng quả là nhiều nước đã đặt nặng vấn đề nhà vệ sinh (NVS) trong chính sách du lịch của họ. Ở những nước láng giềng với ta như: Thái Lan, Singapore, Campuchia,... từ điểm du lịch, khu vui chơi đến siêu thị, trạm xăng... chỗ nào cũng có NVS rộng, sạch, có lối đi và chỗ riêng cho người khuyết tật. Phó Thủ tướng Malaysia Najib Razak từng đưa ra khái niệm “văn hóa NVS quốc gia” khi đi kiểm tra NVS tại một khu mua sắm ở thủ đô Kuala Lumpur. Năm 2015, Chủ tịch Tập Cận Bình phát động “cuộc cách mạng NVS” và Trung Quốc đã đầu tư hàng trăm ngàn NVS hiện đại ở các khu du lịch, tổ chức thi để tìm kiếm ý tưởng hay về NVS hoặc bầu chọn những NVS xuất sắc nhất tại các điểm du lịch. Ở Mỹ cũng có cuộc thi thường niên nhằm tìm ra NVS “kỳ lạ” nhất. Năm ngoái, người ta đã bầu cho những NVS không chỉ sạch, mà còn hiện đại, có thiết kế và chức năng độc đáo, hấp dẫn thị giác - như thay vì nhìn gương ở bồn rửa tay, thì bạn được ngắm cá mập bơi trong bể kính quanh tường toilet như dưới thủy cung, hay nhìn các bức tường NVS vẽ rừng hoa với màu sắc kỳ bí, hoặc thú vị với NVS trang trí bằng các chủ đề từ điện ảnh Hollywood… Ở nước ta, năm 2012, Tổng cục Du lịch cũng công bố quy định tạm thời về tiêu chuẩn NVS công cộng phục vụ khách du lịch và đặt mốc hết năm 2014, tất cả các khu du lịch trong nước phải có NVS đạt chuẩn.
Tại sao cái NVS tưởng “tầm thường” lại có vị trí đến như thế và trở thành mối bận tâm trong chính sách du lịch ở tầm quốc gia? Vì NVS là một yếu tố đưa đến cho khách cảm giác thoải mái, hài lòng; là một góc nhìn về hình ảnh du lịch quốc gia. Đất nước xinh đẹp, có truyền thống văn hóa - lịch sử lâu đời, ẩm thực ngon, con người dễ mến; nhưng ở các điểm du lịch không đủ NVS, hoặc NVS không tiện dụng, dơ bẩn, hôi hám thì khách nước ngoài - nhất là khách phương Tây - cũng “bỏ chạy” vì sợ hãi.
Chuyện NVS ở các điểm du lịch không mới. Nhưng trong bối cảnh năm 2017, lượng du khách nước ngoài đến nước ta tăng 60% so với năm 2015, vọt lên con số 13 triệu lượt, chúng ta phấn đấu vào năm 2020 đón 20 triệu lượt và biến du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thì “cái NVS” lại nhắc nhở về những việc còn dở dang và gợi ra những vấn đề cần được thống nhất cao hơn trong suy nghĩ, trong hành động.
Thứ nhất, việc NVS có vai trò trong việc thu hút du khách nước ngoài là điều có thật, là kinh nghiệm quốc tế được các nước áp dụng, chứ không phải chuyện nói chơi cho vui. Thứ hai, đầu tư xứng đáng vào NVS là thể hiện tư duy đổi mới trong kinh doanh du lịch. Thứ ba, chuyện NVS liên quan trách nhiệm của nhiều ngành. Tại cuộc giao ban ngày 29-8-2016 của Thường trực Tỉnh ủy BR-VT chỉ đạo về công tác phát triển du lịch, việc chuẩn hóa NVS công cộng theo quy định của Tổng cục Du lịch cũng được đặt ra. Theo đó, Thường trực Tỉnh ủy giao UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan liên quan đến cuối năm 2016 phải chuẩn hóa NVS ở những nơi công cộng và cơ sở kinh doanh. Sở VHTTDL (nay là Sở Du lịch) và UBND các huyện, thành phố kiểm tra, yêu cầu thực hiện đối với NVS tại các cơ sở kinh doanh du lịch; Sở Giao thông-Vận tải kiểm tra, yêu cầu thực hiện đối với NVS tại các bến xe; Sở Công thương kiểm tra, yêu cầu thực hiện đối với NVS tại các trạm xăng…
Trên thực tế, nhiều NVS công cộng đã được xây dựng, lắp đặt tại Vũng Tàu và các điểm du lịch trong tỉnh, nhưng chưa đủ và chưa phải tất cả đều đạt chuẩn. Chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy là rất rõ; các ngành liên quan cần thực hiện theo chức năng và cũng đến lúc cần kiểm tra kết quả việc thực hiện chỉ đạo này của Thường trực Tỉnh ủy.
HẢI THANH