Khuyến nông chuyên nghiệp!
Khi nhìn lại vấn đề tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp năm 2017, nhiều chuyên gia nông nghiệp đã đánh giá cao nỗ lực “giải cứu” của người dân trong cả nước trước hàng loạt nông sản, vật nuôi của Việt Nam rơi vào cảnh rớt giá thê thảm khiến nhiều hộ nông dân bị thiệt hại nặng nề.
Thống kê của một chuyên gia kinh tế cho thấy gần 20 cuộc “giải cứu” nông sản đã được nhiều tổ chức, đoàn thể, người dân tổ chức trong năm 2017. Đầu tiên là nỗ lực giải cứu thịt heo hơi tại Đồng Nai và một số tỉnh miền Bắc, tiếp đó là phong trào giải cứu thịt gà cũng ở Đồng Nai và sau đó là hàng loạt các cuộc giải cứu các mặt hàng nông sản khác như chuối, cà chua, dưa hấu, thanh long ở nhiều địa phương trong Nam ngoài Bắc. Tại Bà Rịa-Vũng Tàu, những tháng đầu năm 2017, các tổ chức Đoàn cũng đã kịp thời “giải cứu” chuối của nông dân ở các huyện Châu Đức, Xuyên Mộc, Tân Thành qua cơn ế ẩm.
Từ nghịch lý “được mùa mất giá” và điệp khúc “trồng chặt-chặt trồng” của nhiều loại nông sản “mũi nhọn”, người ta nhận ra những bất cập trong quản lý và quy hoạch sản xuất nông nghiệp, trong liên kết tiêu thụ nông sản giữa 4 nhà và đặc biệt là những bất cập của công tác khuyến nông.
Một hệ thống khuyến nông được coi là chuyên nghiệp là khi các hoạt động của nó đáp ứng các nhu cầu sản xuất hàng hóa theo cơ chế thị trường. Đội ngũ cán bộ khuyến nông không chỉ giúp nông dân nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập mà còn góp phần quan trọng vào quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Thế nhưng những năm qua, công tác khuyến nông tỏ ra “chậm chân” trong bám sát thực tế chuyển đổi tập quán canh tác, nuôi trồng ở các địa phương, không hỗ trợ kịp thời cho nông dân khi họ đang từ trồng cây này đột ngột chuyển qua trồng một loại cây khác. Trong khi đó, bản thân người nông dân do thiếu thông tin về thị trường, lại quá nôn nóng muốn đổi đời nên đã lao vào cây trồng đang “hot”, cho lợi nhuận cao mà không hề biết rằng đó chính là một sự đầu tư, và như mọi sự đầu tư khác đều có những bất trắc của nó cần phải dự kiến trước.
Cho dù đã nhiều năm bước vào nền sản xuất hàng hoá, người nông dân vẫn luôn cần đến sự điều tiết, định hướng của bộ ngành chức năng, nhất là công tác khuyến nông thị trường… Đơn giản vì người nông dân đang “đói” tri thức khoa học kỹ thuật, thị trường. Thế nên cơ bản vẫn là làm sao để các nhà quy hoạch của từng địa phương và Trung ương vừa nắm sát thực tế thổ nhưỡng, thủy văn từng địa phương, vừa nắm bắt được tình hình thị trường nông sản thế giới để tư vấn cho nông dân trong việc quyết định nuôi trồng cây gì, con gì có thể sinh lợi nhất, “chắc ăn” nhất.
Nói cho thật công bằng, lâu nay các địa phương và ngành chức năng đã đầu tư không ít công sức cho công tác khuyến nông và trên thực tế hệ thống khuyến nông cả nước đã đạt được kết quả rất đáng ghi nhận, đặc biệt là đã đồng hành cùng người nông dân trong chuyển giao khoa học kỹ thuật và chuyển tải các chính sách của Nhà nước về sản xuất nông nghiệp. Riêng công tác khuyến nông thị trường vẫn là một điểm yếu, chưa có mặt kịp lúc để “gỡ rối” cho nông dân những khi họ giằng co trước sự lựa chọn bỏ cây gì, trồng cây gì có lợi nhất về lâu dài.
Nông dân nước ta đang rất cần một hệ thống khuyến nông, một chương trình khuyến nông chuyên nghiệp. Những câu hỏi của nông dân như nuôi con gì, trồng cây gì thì có lợi, làm sao thoát khỏi cảnh được mùa mất giá, được giá thì mất mùa… sẽ còn là một chuyện dài chưa hồi kết chừng nào mà công tác khuyến nông chưa giúp họ trả lời thỏa đáng các câu hỏi trên. Một hệ thống khuyến nông chuyên nghiệp, có hiệu quả là khi hệ thống đó cung cấp cho người nông dân tương lai những kiến thức thiết thực để họ có thể “tự tư vấn” về hoạt động sản xuất, kinh doanh nông sản của chính mình. Và cũng không gì thiết thực hơn một hệ thống khuyến nông mà nhờ đó người nông dân tương lai biết tư duy, có thể tự mình thích ứng với những vấn đề đặt ra từ cuộc sống, biết cân nhắc, tự quyết định chứ không để bị lôi kéo, hay “thấy người khác làm cũng tối mắt làm theo” như các phong trào “trồng tiêu, rồi chặt tiêu trồng cà phê, chặt cà phê…”
NGUYỄN TRIỆU HẢI