Vì một nền công vụ chuyên nghiệp
Chủ trương tinh giản biên chế đã được Đảng, Chính phủ đặt ra từ lâu và năm nào cũng được quyết liệt triển khai nhưng sau mỗi lần tinh giản biên chế, bộ máy lại phình to, “bóp” chỗ này lại “phình” chỗ khác.
Vẫn biết đó là chuyện “biết rồi, nói mãi” nhưng dư luận vẫn cảm thấy bức xúc khi mới đây, qua công tác quản lý biên chế công chức, viên chức, người lao động, Kiểm toán Nhà nước phát hiện thừa 57.175 người trong biên chế. Con số này nói lên rằng công tác tinh giản đội quân “cắp ô” vẫn chưa thể loại ra khỏi bộ máy những CBCC yếu kém, không có năng lực, trái lại bộ máy ngày càng cồng kềnh, nhiều tầng nấc, nhiều đầu mối, trách nhiệm không rõ ràng, thậm chí còn trùng lắp, “dẫm đạp” lên nhau.
Tinh giản biên chế là nhằm làm cho bộ máy tinh gọn, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả, đồng thời giảm gánh nặng cho ngân sách. Theo tính toán, nếu giảm được 10% công chức, tức giảm 400.000 người (mỗi người lương bình quân tạm tính 5 triệu đồng) thì cả nước tiết kiệm được 2.000 tỷ đồng/tháng. Thế nhưng, sau 2 năm thực hiện Nghị quyết 39-NQ/TW và Quyết định 218/QĐ-Ttg về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ CBCC, chẳng những chúng ta không tinh giản được 70.000 người như chỉ tiêu đề ra mà còn tăng thêm 96.000 người (những người được “tinh giản” chủ yếu rơi vào những người mất sức, hoặc đến tuổi về hưu), đã vậy số lượng lãnh đạo, cấp phó trong các cơ quan đơn vị lại nhiều lên, chiếm tỷ lệ cao, cứ 5 cán bộ công chức thì có 1 lãnh đạo cấp phó, việc quy định “hàm” còn bị lạm dụng. Nhìn lại thất bại trong chủ trương tinh giản biên chế, chúng ta dễ dàng đồng tình với ý kiến của Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính rằng đó là hệ quả của sự thiếu nghiêm túc trong tổ chức thực hiện, còn nể nang, né tránh, ngại va chạm,chưa có ai được khen thưởng hay kỷ luật liên quan đến việc công tác tinh giảm biên chế. Tất nhiên, bên cạnh đó còn có một nguyên nhân không kém quan trọng, đó là do thiết kế mô hình tổ chức không khoa học, thêm bớt cơ quan bộ máy theo ý muốn chủ quan và tùy tiện.
Tại BR-VT, điều đáng mừng là công tác tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ CBCC có những chuyển biến tích cực. UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan liên quan rà soát để giải thể những đơn vị không còn chức năng, nhiệm vụ, hoạt động không hiệu quả; các sở, ngành cũng chủ động rà soát, sắp xếp các bộ phận để giảm đầu mối, bớt khâu trung gian. Theo đánh giá của ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy,tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ CBCCVC được tiến hành thận trọng, khoa học, khách quan; Tỉnh sắp xếp, bố trí đội ngũ CBCCVC đảm nhận nhiệm vụ phù hợp với trình độ chuyên môn đào tạo, năng lực công tác, bảo đảm sử dụng hiệu quả tối đa chỉ tiêu biên chế được giao. Từ thực tế này, tin rằng đến năm 2021, toàn tỉnh sẽ tinh giản thành công 7,05% biên chế như chỉ tiêu đã để ra.
Dư luận còn chưa quên vào đầu năm 2013, khi còn là Phó thủ tướng,Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lúc đó đã thẳng thắn đặt vấn đề, trong bộ máy của chúng ta có tới 30% số công chức không có cũng được, bởi họ làm việc theo kiểu sáng cắp ô đi, tối cắp ô về, không mang lại bất cứ thứ hiệu quả công việc nào”.
Quả thật khó có thể có một nền công vụ tốt khi mà 30% trong số 2,7 triệu công chức, viên chức trong cả nước không làm gì, chỉ có mặt ghi tên lãnh lương trong khi nhiều người khác phải đầu tắt mặt tối, làm việc quần quật suốt ngày. Rõ ràng, nếu không làm mạnh, triệt để công tác tinh giản biên chế gắn với cải cách tiền lương thì bộ máy cứ mãi cồng kềnh, mức lương tối thiểu cứ mãi lạc hậu vì phải chia đều cho những CBCC không làm gì vẫn cứ lãnh lương trong khi Nhà nước lại khó thu hút và giữ được chân người tài.
Bài toán tiền lương luôn gắn liền với bài toán về cải cách hành chính. Cải cách tiền lương không chỉ bảo đảm cho CBCC thực sự sống được bằng đồng lương mà quan trọng hơn phải loại bỏ những bất công, nghịch lý trên đây. Cũng không phải cải cách tiền lương là hàng năm cứ quy định mức lương tối thiểu và năm nào cũng tuyên bố tăng lương. Cốt lõi của bài toán tiền lương là nghiêm túc thực hiện tinh giản biên chế nhà nước, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ theo chế độ cải cách tiền lương, đưa ra khỏi bộ máy nhà nước đội quạn “cắp ô” không đủ năng lực, phẩm chất và đạo đức.
Nếu cứ quản lý CBCC theo kiểu cũ, kêu gọi tính tích cực của họ là chính, tinh giản biên chế nửa vời, cải cách tiền lương khó thành công, những nỗ lực, thành quả cải cách hành chính lâu nay chẳng còn mấy ý nghĩa.
NGUYỄN TRIỆU HẢI