.

"Thay áo mới" cho ngành du lịch

Cập nhật: 08:31, 26/01/2018 (GMT+7)

“Muốn duy trì đà tăng trưởng, ngành du lịch cần cơ cấu lại một cách đồng bộ, mạch lạc từ Trung ương đến các địa phương; cần “thay áo mới” cho ngành du lịch để phù hợp với tình hình mới”. Đó là phát biểu của ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam (DLVN), tại hội thảo “Những vấn đề đặt ra trong tái cơ cấu ngành du lịch” do Tổng cục Du lịch vừa tổ chức tại Hà Nội.

Năm 2017 được coi là năm kỳ tích của ngành DLVN: Đón 13 triệu khách quốc tế, phục vụ gần 74 triệu lượt khách nội địa, tổng thu từ du lịch đạt 510.900 tỷ đồng. Vị thế của ngành DLVN đã có những bước tiến nổi bật khi đứng ở vị trí 6/10 điểm đến DL phát triển nhanh nhất thế giới (dựa trên tăng trưởng lượng khách), Công ty DL Vietravel được bình chọn là “Nhà điều hành tour du lịch trọn gói hàng đầu thế giới”, Hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines được đánh giá là “Hãng hàng không hàng đầu thế giới về bản sắc văn hóa”, Khu nghỉ dưỡng Inter Continental Danang Sun Peninsula Resort (tại Đà Nẵng) được bình chọn lần thứ ba với danh hiệu “Khu nghỉ dưỡng sang trọng bậc nhất thế giới”.

Mặc dù vậy, so với tiềm năng, nguồn lực hiện có và nhất là khi so sánh với các nước trong khu vực, DLVN còn nhiều yếu kém, bất cập. Những tồn tại được lưu ý và gây nhiều bức xúc nhất là công tác quản lý DL, sản phẩm DL, chính sách visa, và quản lý hoạt động hướng dẫn viên. So với mặt bằng chung của các nước trong khu vực, thì năng lực cạnh tranh của DLVN còn thấp và hiệu quả sử dụng marketing hiện đại để quảng bá DL chưa cao. Hiện nay, thị trường khách DLVN chủ yếu là khách châu Á, chiếm tới 2/3; trong đó, khách Trung Quốc chiếm 27%, khách Hàn Quốc chiếm 15,5%. Du khách đến từ các thị trường châu Âu, châu Mỹ, châu Úc giữ thị phần còn ít. 

Theo nhận định của các chuyên gia, một trong những yếu tố khiến ngành DLVN thua kém về năng lực cạnh tranh là vấn đề visa. Mặc dù chúng ta đã có những động thái tích cực, như miễn visa cho du khách 5 nước châu Âu và Belarus, triển khai thực hiện thí điểm cấp visa điện tử, nhưng vẫn còn khoảng cách khá xa so với các quốc gia là điểm đến cạnh tranh với DLVN. Tại thời điểm này, số quốc gia và vùng lãnh thổ có công dân được miễn thị thực vào Thái Lan là 61, Malaysia 155, Singapore 158, Indonesia 169… còn Việt Nam mới chỉ dừng lại ở mức 23. Mặt khác, các sản phẩm DLVN chưa đa dạng, còn trùng lặp giữa các địa phương khiến du khách không có nhiều lựa chọn, không lưu lại lâu. Hơn nữa, DL nước ta chủ yếu phục vụ du khách từ 7 giờ đến 17 giờ, còn từ 18 giờ đến 2 giờ sáng hôm sau khá ít, trong khi khách DL rất muốn tận dụng thời gian để trải nghiệm. Ngoài ra, môi trường DL và công tác bảo đảm an ninh, an toàn cho du khách vẫn còn nhiều hạn chế, vẫn còn để xảy ra các vụ  tai nạn ảnh hưởng đến an toàn tính mạng của du khách tại một số điểm DL.

“Thay áo mới” cho ngành DL là tháo gỡ những nút thắt, những điểm nghẽn để từ đó tạo đột phá và động lực kiến tạo mới. Các địa phương cần xác định đúng thế mạnh, lợi thế cạnh tranh để thiết kế các sản phẩm DL đặc thù, có nét đặc trưng riêng và hướng đến từng nhóm đối tượng du khách khác nhau. Ngoài hướng phát triển các sản phẩm DL chủ đạo, có lợi thế cạnh tranh, được xác định là chiến lược, như: DL biển, DL văn hóa, DL sinh thái, thì mảng DL lịch sử chiến tranh, DL gắn với hoạt động ngoài trời, DL thể thao, DL mua sắm, DL chăm sóc sức khỏe, DL golf… nên được đầu tư mở rộng. Đồng thời, thực hiện đồng bộ tái cơ cấu ngành DL trên cơ sở bảo đảm tính chuyên nghiệp, hiện đại và phát triển bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh, đưa DLVN chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong cơ cấu kinh tế. Tiếp tục thu hút mạnh mẽ các nguồn lực đầu tư của xã hội, đặc biệt là các nhà đầu tư chiến lược có tiềm lực tài chính vào các dự án xây dựng cơ sở lưu trú có quy mô lớn, có khu vui chơi giải trí hiện đại, đẳng cấp thế giới. 

HOÀNG LÊ

.
.
.