Việc không cấp giấy CNQSDĐ tại phường 12, TP.Vũng Tàu: Căn cứ pháp lý chưa đủ thuyết phục
Bà Lê Thị Phương (trong ảnh) khẳng định thửa đất mà bà đang đứng (phường 12, TP.Vũng Tàu) đã chuyển nhượng cho ông Đỗ Xuân Tiễn, bà cũng không biết gì về biên bản bàn giao đất cho phường 12 vào ngày 27-10-2004. |
CHỈ VÌ MỘT BIÊN BẢN VIẾT TAY?!
Theo trình bày của ông Đỗ Xuân Tiễn, năm 2014, ông có nộp hồ sơ xin cấp giấy CNQSDĐ cho lô đất có diện tích 616m2 ở phường 12, TP.Vũng Tàu tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của TP.Vũng Tàu. Nguồn gốc lô đất này của ông Trần Trung On và bà Lê Thị Phương (thường trú tại số 1796/6/5 đường 30-4, phường 12) chuyển nhượng lại bằng giấy tay cho ông Tiễn vào ngày 1-5-2004. Lô đất này nằm trong tổng diện tích đất 1.056m2 do vợ chồng ông On khai phá trước năm 1987, đã được ông On đăng ký vào sổ mục kê thửa đất 130, tờ bản đồ số 05 loại đất T,Q,Đ tại phường 11 cũ (nay là phường 12).
Tuy nhiên, hồ sơ xin cấp giấy CNQSDĐ của ông Tiễn không được UBND phường 12 xác nhận, với lý do thửa đất mà ông On bán cho ông Tiễn đã bàn giao cho Nhà nước quản lý bằng một biên bản (viết tay) lập ngày 27-10-2004 của đoàn cán bộ phường 12, do ông Nguyễn Văn Nhượng, Chủ tịch HĐND phường làm trưởng đoàn, trong biên bản có tên và chữ ký của ông On. Căn cứ vào lý do này, ngày 7-8-2015, Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất TP.Vũng Tàu đã có văn bản số 4203/CV.VPĐKQSDĐ trả sồ sơ do không đủ điều kiện cấp giấy CNQSDĐ cho ông Tiễn. UBND phường 12 cho rằng, khu đất của ông On bán cho ông Tiễn đã giao trả cho Nhà nước thì đây là đất công. Do đó, việc ông On tiếp tục chuyển nhượng cho ông Tiễn là vi phạm pháp luật về đất đai.
Không đồng tình với cách trả lời trên, liên tục từ năm 2015 đến nay, ông Tiễn đã có đơn khiếu nại gửi đến UBND TP.Vũng Tàu và các cơ quan có liên quan về việc gia đình ông không được giải quyết cấp giấy CNQSDĐ. “Theo quy định pháp luật hiện hành, trường hợp của tôi nhận chuyển nhượng đất của vợ chồng ông On bằng giấy tay trước ngày 1-7-2004 thì được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất”, ông Tiễn nói.
Theo đó, ngày 7-9-2017, UBND TP.Vũng Tàu đã ra Quyết định số 4334/QĐ-UBND giao nhiệm vụ cho Phòng TN-MT TP.Vũng Tàu xác minh nội dung khiếu nại của ông Tiễn.
THIẾU CĂN CỨ PHÁP LÝ
Ông Trần Trung On và bà Lê Thị Phương, cho biết: Nguồn gốc đất chuyển nhượng cho ông Tiễn do vợ chồng ông On khai phá, có đăng ký sử dụng tại phường 11 (cũ), có đóng thuế sử dụng đất hàng năm. Trong thửa đất 1.056m2 vợ chồng ông On khai phá, trước khi chuyển nhượng cho ông Tiễn, ông On đã chuyển nhượng một phần diện tích cho ông Trần Văn Sinh, ông Nguyễn Hữu Hồng, số diện tích còn lại khoảng gần 700m2 được chuyển nhượng cho ông Tiễn vào ngày 1-5-2004.
“Chúng tôi đã bán hết đất thì không còn đất và cũng không có lý do gì để bàn giao đất cho phường 12. Chưa bao giờ và cũng không bao giờ tự nguyện giao trả đất đang sử dụng và cũng không nhận được thông báo lý do thu hồi đất, không nhận được quyết định thu hồi đất của cơ quan thẩm quyền là UBND TP.Vũng Tàu”, ông On và bà Phương khẳng định.
Phóng viên Báo Bà Rịa-Vũng Tàu đã liên hệ làm việc với UBND phường 12, Phòng TN-MT, Văn phòng ĐKQSDĐ TP.Vũng Tàu được biết, việc trả hồ sơ xin cấp giấy CNQSDĐ của ông Tiễn vẫn chỉ duy nhất căn cứ vào Biên bản bàn giao đất (viết tay) ngày 27-10-2004 của đoàn công tác phường 12 với tổng diện tích đất tạm tính 607,5m2. Cho đến nay, không có bất kỳ một văn bản thông báo thu hồi đất, hay quyết định thu hồi đất của UBND TP.Vũng Tàu đối với ông Trần Trung On và bà Lê Thị Phương.
Trong khi đó, căn cứ Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành trong khoảng thời gian từ năm 2004 đến nay, trường hợp người được giao đất tự nguyện trả lại đất, thì cơ quan thẩm quyền ra quyết định thu hồi đất. Trong trường hợp cụ thể của ông On, UBND TP.Vũng Tàu không có quyết định thu hồi đất phần diện tích đất 607,5m2 ghi trong Biên bản bàn giao đất ngày 27-10-2004.
Như vậy, diện tích đất này vẫn thuộc quyền sử dụng của ông On và trước đó đã chuyển nhượng lại bằng giấy tay cho ông Tiễn vào ngày 1-5-2004. Mặt khác, biên bản bàn giao đất giữa ông On với đoàn công tác phường 12 chỉ có tên và chữ ký của ông On (ông On không chắc đó là chữ ký của mình) nhưng không có tên bà Lê Thị Phương (vợ ông On), vậy biên bản này có được xem là phù hợp với quy định pháp luật về định đoạt tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân?
Từ diễn biến vụ việc như trên, thiết nghĩ các cơ quan chức năng của TP. Vũng Tàu cần xem xét lại tính pháp lý việc thu hồi đất của ông Trần Trung On và việc không cấp giấy CNQSDĐ cho ông Đỗ Xuân Tiễn.
Bài, ảnh: PHƯƠNG ANH