.

Xây dựng không phép trong Khu bảo tồn Bình Châu - Phước Bửu

Cập nhật: 20:08, 12/10/2017 (GMT+7)
Căn chòi ông Quân đang sử dụng có diện tích hơn 200m2.
Căn chòi ông Quân đang sử dụng có diện tích hơn 200m2.

Báo Bà Rịa-Vũng Tàu nhận được đơn của bạn đọc phản ánh ông Phạm Hoàng Quân (ngụ tại tổ 6, ấp 3, xã Bưng Riềng, huyện Xuyên Mộc) xây dựng và kinh doanh trái phép trong Khu Bảo tồn thiên nhiên Bình Châu - Phước Bửu hơn 5 năm qua. Phóng viên Báo Bà Rịa-Vũng Tàu đã tìm hiểu vấn đề này như sau:

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Bà Rịa-Vũng Tàu, địa điểm mà ông Phạm Hoàng Quân đang kinh doanh nằm sát đường ven biển Vũng Tàu - Bình Châu và thuộc lâm phần do Khu Bảo tồn thiên nhiên Bình Châu - Phước Bửu (KBT) quản lý. Nơi đây có một căn chòi diện tích hơn 200m2, mái lợp lá dừa, khung cột gỗ, nền lát gạch nung. Ngoài căn chòi trên, tại đây còn có một nhà vệ sinh xây bằng gạch diện tích khoảng 20m2, 1 chiếc cầu phao lót ván gỗ dài hơn 100m từ bờ ra giữa hồ nước tự nhiên để phục vụ việc nuôi hải sản, kết hợp cho thuê làm điểm chụp hình cưới.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, năm 2012, ông Quân ký kết hợp tác đầu tư, trông coi bảo vệ rừng với ông Lê Thanh Bình (ngụ tại TP.Hồ Chí Minh) trên diện tích rừng hơn 12ha thuộc lô 2a, 2b, khoảnh 9, tiểu khu 27 KBT. Diện tích rừng này do ông Bình nhận khoán từ một người khác (người này được KBT giao khoán rừng). Năm 2016, Ban Quản lý KBT ký hợp đồng giao khoán bảo vệ rừng với ông Bình tại vị trí đất trên, hợp đồng nhận khoán có thời hạn đến năm 2053. Sau đó, ông Bình tiếp tục ký kết hợp tác đầu tư với ông Quân. Ngày 17-3-2017, sau khi đo đạc, đoàn công tác của Sở NN-PTNT xác định, diện tích rừng mà Ban Quản lý KBT giao khoán cho ông Bình là 14,6ha. Riêng 20ha ao hồ nằm sát phần rừng nhận khoán (hiện ông Quân đang nuôi nghêu và làm điểm chụp hình cưới), trước đây, UBND huyện Xuyên Mộc giao cho UBND xã Bưng Riềng quản lý toàn bộ diện tích bãi bồi ven biển, nhưng UBND xã Bưng Riềng chưa có chủ trương cho thuê sử dụng, khai thác.

Việc ông Quân xây dựng chòi và nhà vệ sinh đã bị UBND huyện Xuyên Mộc ban hành Quyết định số 3505/QĐ-UBND ngày 28-4-2014 xử phạt vi phạm hành chính về hành vi “xây dựng công trình trên đất không được phép xây dựng” với mức phạt 22,5 triệu đồng; đồng thời buộc ông Quân phải tự tháo dỡ công trình, trả lại hiện trạng ban đầu. Ngày 19-6-2015, UBND xã Bưng Riềng ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai đối với ông Quân về hành vi “chiếm đất” với mức phạt 4 triệu đồng, yêu cầu khôi phục lại hiện trạng ban đầu.

Trao đổi với phóng viên, ông Quân cho biết, ông không đồng ý với hai quyết định trên của UBND huyện Xuyên Mộc và UBND xã Bưng Riềng. Bởi, ông không chiếm đất mà chuyển nhượng thành quả lao động từ người khác. Ông Quân đã có đơn khiếu nại gửi UBND tỉnh và các cơ quan có liên quan về vấn đề này. Đối với xây nhà vệ sinh bằng gạch, đây là nhu cầu thiết yếu không chỉ phục vụ người trông coi rừng mà cả du khách nên thay vì làm tạm bợ, ông xây bằng tường gạch. “Trước khi xây dựng nhà chòi, nhà vệ sinh, tôi có đến xin phép Ban quản lý KBT, nhưng không được chấp thuận vì cho rằng tôi chiếm đất. Tôi thừa nhận việc xây dựng này chưa được cơ quan thẩm quyền cấp phép, nhưng theo quy định pháp luật hiện hành, người được giao nhận khoán bảo vệ rừng được phép dựng chòi trông coi, bảo vệ rừng và kinh doanh dưới tán rừng”, ông Quân nói.

Liên quan đến việc ký hợp đồng hợp tác đầu tư giữa ông Bình với ông Quân và việc chuyển nhượng hợp đồng khoán giữa ông Bình với một hộ dân trước đó tại khu đất rừng này, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an tỉnh đã có bản kết luận điều tra số 17/KLĐT ngày 29-8-2017, nhận định: Việc chuyển nhượng này không phải là chuyển nhượng đất lâm nghiệp trong KBT và đất công do địa phương quản lý. Đây là hình thức hợp đồng dân sự giữa các bên để chuyển quyền nhận khoán và thành quả lao động trên đất lâm nghiệp. Do vậy, hành vi này không cấu thành tội phạm.

Đối với việc kinh doanh địa điểm chụp ảnh ở khu vực 20ha ao hồ, bãi bồi, ông Quân cho rằng, do địa thế khu vực này đẹp và muốn có thêm sản phẩm du lịch, tạo điểm nhấn khi du khách đến tham quan, nên ông quyết định kinh doanh loại hình này kết hợp với nuôi trồng thủy sản. DNTN Phạm Hoàng do ông Quân làm chủ đã được Sở KH-ĐT cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh tại địa chỉ trên, trong đó có một số ngành nghề kinh doanh như: quay phim, chụp hình, làm phim trường, dịch vụ ăn uống, nuôi trồng thủy sản… Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh cũng đã cấp giấy chứng nhận cơ sở dịch vụ ăn uống của DNTN Phạm Hoàng đủ điều kiện an toàn thực phẩm. 

Ông Đặng Thanh Minh, Chủ tịch UBND huyện Xuyên Mộc cho biết, lãnh đạo huyện đã giao các cơ quan chuyên môn, Ban quản lý KBT rà soát, kiểm tra kỹ những nội dung liên quan đến vụ việc của ông Quân cũng như quá trình xử lý  trước đây. Trên cơ sở đó, UBND huyện sẽ giải quyết dứt điểm vụ việc theo quy định pháp luật.

Bài, ảnh: PHƯƠNG NAM

 
.
.
.