Trung tâm nuôi dưỡng người già neo đơn An Ngãi: Ngôi nhà ấm áp nghĩa tình
Những năm qua, cán bộ, nhân viên Trung tâm Nuôi dưỡng người già neo đơn (xã An Ngãi, huyện Long Điền) đã khắc phục khó khăn, chăm sóc mọi mặt đời sống vật chất, tinh thần cho các cụ già neo đơn đang được nuôi dưỡng tại đây.
Nhân viên y tế của Trung tâm hướng dẫn các cụ sử dụng máy massage chân. |
Chúng tôi đến thăm Trung tâm Nuôi dưỡng người già neo đơn vào một buổi sáng cuối tuần. Bên những dụng cụ thể dục, thể thao, nhiều cụ đang hăng say tập luyện. Bà Phạm Thị Cưng (SN 1949, vào Trung tâm từ năm 2013) tỏ ra rất thích thú với chiếc máy đa năng “4 trong 1”. Bà thực hiện nhuần nhuyễn các động tác tập chân, tay, vai, lưng. Thấy có khách, bà Cưng dừng lại trò chuyện. Bà bảo từ ngày có chiếc máy này, bà không bỏ buổi tập nào. Nó đã giúp bà cải thiện sức khỏe. Các biểu hiện như: mệt mỏi, đau nhức chân, lưng, vai… của tuổi già giảm dần. Nhờ đó, tinh thần bà cũng phấn chấn, vui vẻ hơn, bữa cơm trở nên ngon miệng hơn.
Chiếc máy đa năng này cùng hơn 20 thiết bị được Trung tâm đầu tư mới trong 2 năm qua như: máy massage chân, máy massage toàn thân, máy tập đi bộ, máy chiếu hồng ngoại hỗ trợ điều trị đau xương, khớp… đã góp phần tích cực trong việc hỗ trợ chăm sóc sức khỏe cho các cụ.
Bên cạnh đó, công tác chăm sóc sức khỏe cho các cụ cũng được chú trọng. Ngoài việc trang bị thiết bị xông khí dung để hỗ trợ điều trị cho các cụ mắc bệnh suyễn, Trung tâm còn được bổ sung danh mục thuốc đông y, tăng cường nhân viên y tế có kiến thức về y học cổ truyền để điều trị cho các cụ có tiền sử bệnh dạ dày hoặc các bệnh không được sử dụng nhiều thuốc tây.
Hiện nay, Trung tâm đang chăm sóc, nuôi dưỡng 95 cụ, trong đó hơn phân nửa số cụ già yếu, không thể tự lo cho bản thân. Công việc chăm sóc các cụ vì thế càng vất vả gấp bội. Tuy nhiên, cán bộ, nhân viên Trung tâm luôn làm việc hết mình, coi các cụ như người thân trong nhà. Chị Nguyễn Thị Như Trang, phụ trách bộ phận y tế của Trung tâm 9 năm qua chia sẻ: “Mỗi cụ có thể trạng sức khỏe và liệu pháp điều trị bệnh khác nhau. Khó khăn nhất là điều trị bệnh cho các cụ đã lớn tuổi, sức khỏe yếu, nằm liệt và không còn minh mẫn. Đôi khi có cụ còn quát mắng, to tiếng, bất hợp tác, nhưng chúng tôi luôn hiểu, cảm thông và coi việc chăm sóc các cụ như chăm sóc người thân nên nhẹ nhàng dỗ dành là các cụ lại vui vẻ hợp tác…”.
Cùng với việc chăm lo về sức khỏe, Trung tâm còn chú trọng nâng cao tinh thần cho các cụ như: lắp đặt 12 ti vi mới tại các phòng ở để các cụ cập nhật thời sự và giải trí; bố trí bàn uống nước, tủ quần áo nhằm tạo không gian thân thiện, ấm áp cho các cụ.
Trước khi được nhận vào Trung tâm năm 2011, cụ Võ Thị Lan (SN 1941, ở TP.Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang) phải tự kiếm sống bằng đủ thứ nghề: giúp việc nhà, xẻ cá thuê… Trước sự chăm sóc tận tình của cán bộ, nhân viên Trung tâm, cụ xúc động cho biết: “Sống ở đây, chúng tôi được chăm sóc về sức khỏe, tinh thần rất tốt. Thỉnh thoảng còn có các nhà hảo tâm, các cháu đoàn viên thanh niên tới thăm, động viên với tình cảm ấm cúng như được sống trong tình yêu thương của gia đình vậy. Các cô chú ở Trung tâm đã giúp tôi quên đi cảm giác tủi thân của cảnh già neo đơn”.
Ông Nguyễn Văn Phiệt, Giám đốc Trung tâm cho biết, những năm qua, Trung tâm đã nhận được sự quan tâm của các ban, ngành, đoàn thể và các nhà hảo tâm nên cơ sở vật chất phục vụ việc chăm sóc, nuôi dưỡng các cụ ngày càng được cải thiện, nâng cao. “Trung tâm có 35 cán bộ, nhân viên. Mặc dù công việc vất vả, đời sống, thu nhập của cán bộ, nhân viên còn nhiều khó khăn nhưng mọi người đều cố gắng khắc phục, hoàn thành tốt nhiệm vụ chăm sóc, nuôi dưỡng các cụ, tạo cho các cụ cảm giác được yêu thương để sống vui, sống khỏe” - ông Nguyễn Văn Phiệt nhấn mạnh.
Bài, ảnh: BẢO KHÁNH