.
CHUYỆN NHÀ

Đừng "giam lỏng" con

Cập nhật: 07:17, 15/06/2018 (GMT+7)

Sắp đến kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia, không riêng gì học sinh mà nhiều phụ huynh cũng mang tâm trạng lo lắng. Có người vì quá kỳ vọng vào con nên quản lý con kiểu “giam lỏng” nhằm ép con ôn thi cho tốt, đạt điểm cao để còn có cơ hội vào trường đại học danh giá. 

Câu chuyện của anh chị tôi là một ví dụ. Anh chị có cậu con trai duy nhất. Vì muốn thằng bé vào ngành xây dựng như bên nội mà anh chị dốc toàn lực lo cho cháu. Vừa thi xong học kỳ 2, anh rể tôi đã bắt con phải tập trung ôn bài để chuẩn bị cho kỳ thi quan trọng sắp tới. Sau giờ học ở trường, về nhà anh chị không cho con ra khỏi nhà (trừ những trường hợp cần thiết) vì lo cháu bị phân tâm việc học. Nếu cháu đi đâu đó thì phải có người lớn theo cùng. Bạn bè đến rủ cháu đi ăn uống, đá bóng, xem phim, anh chị đều không cho gặp, kèm theo những câu nói khó nghe. Tivi, điện thoại, máy tính bị anh "niêm phong" và hẹn khi nào con thi xong mới cho sử dụng lại. 

Chịu không nổi sự ngột ngạt này, cháu đã gọi điện thoại “cầu cứu” tôi. Tôi cũng đã từng trải qua kỳ thi căng thẳng như thế nên hiểu được tâm trạng của cháu. Tôi đã mất cả tiếng đồng hồ để tranh luận với anh chị về vấn đề thi cử của cháu, đồng thời đề nghị anh chị lắng nghe cháu giãi bày như là cách tôn trọng quyền của trẻ em. Được bày tỏ quan điểm, cháu đã không ngần ngại góp ý với ba mẹ mình: "Ba mẹ không xem con là con của ba mẹ mà như tội phạm". Rồi cháu nói với vẻ muốn khóc: "Con học khối A, những công thức và con số đã làm con căng thẳng quá nhiều mà ba mẹ không cho con thư giãn. Con chơi thể thao, giải trí lành mạnh chứ có phải làm điều bậy bạ gì đâu. Đã vậy ba mẹ còn xúc phạm bạn của con, khiến con mất hết bạn bè...". 

Rồi cháu khóc, bỏ về phòng. Kết quả của cuộc nói chuyện là anh chị tôi đã “nới lỏng” quy định, cho cháu vui chơi giải trí bình thường. Được là chính mình, cháu phấn chấn lắm, thỏa chí chơi thể thao, xem tivi, gặp gỡ bạn bè... Tuy vậy, việc học hành cháu vẫn rất nghiêm túc. Cháu tâm sự: “Giờ đây con chỉ ôn bài thôi. Các công thức toán, lý, hóa con đã thuộc hết. Con chỉ vào lớp giải các kiểu bài tập khó, mới lạ và chuẩn bị tâm lý tốt để bước vào phòng thi thôi”.

Nhiều phụ huynh vì muốn con mình phải đỗ đại học để hãnh diện với họ hàng, bạn bè nên biến con thành một “tù nhân”. Họ không ngần ngại dùng kỷ luật khắt khe để buộc con theo ý mình. Nhưng họ đâu biết rằng, điều đó có khi lại tác dụng ngược. Khoa học đã chứng minh, học hành (hoặc lao động) phải đồng hành cùng thư giãn mới mang lại kết quả tốt. Mặt khác, việc cho con trẻ giải trí lành mạnh cũng là cách tránh được những căn bệnh tâm lý khó trị. Cha mẹ hãy để cho trẻ học hành và phát triển tố chất một cách nhẹ nhàng, khoa học. 

ĐẶNG TRUNG THÀNH

.
.
.