Công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất: Còn nhiều vướng mắc
Hiện nay, tỷ lệ diện tích đất trên địa bàn tỉnh được cấp GCNQSDĐ đã đạt hơn 98%. Đây là tỷ lệ khá cao, cho thấy sự nỗ lực của ngành TN-MT và các địa phương. Tuy nhiên, thời gian qua, công tác cấp GCNQSDĐ vẫn còn gặp nhiều khó khăn khiến người dân, DN chưa hài lòng.
Cán bộ Bộ phận một cửa UBND thị trấn Long Điền (huyện Long Điền) tiếp nhận hồ sơ đất đai. |
VẪN CÒN CHẬM TRỄ
Tháng 1-2017, ông Phan Minh Đức (19Q khu phố Long Bình, thị trấn Long Điền, huyện Long Điền) nộp hồ sơ tại Bộ phận một cửa UBND thị trấn Long Điền để xin cấp GCNQSDĐ cho hơn 1.162m2 đất gia đình ông đang sử dụng. Theo quy định, thời gian cấp GCNQSDĐ là 15 ngày làm việc. Tuy nhiên, đến nay đã gần 5 tháng nhưng hồ sơ của ông Đức vẫn chưa xác nhận xong từ cấp thị trấn.
Lý giải nguyên nhân chậm trễ, ông Trần Duy Tiến, công chức Địa chính, xây dựng, đô thị và môi trường UBND thị trấn Long Điền cho biết: Nguồn gốc diện tích đất trên là đất khai phá do mẹ ông Đức để lại. Do đó, UBND thị trấn phải trả hồ sơ để xác nhận ranh giới, đồng thời lấy ý kiến của những vị cao niên trong khu vực này về nguồn gốc đất. Việc lấy ý kiến của các vị cao niên cũng gặp khó khăn bởi đa số các cụ đã mất nên chỉ mới có 2 người xác nhận. Chúng tôi đang tiếp tục tìm thêm ít nhất 1 cụ cao niên nữa để nhờ xác nhận nguồn gốc đất của ông Đức theo quy định. Nếu không được, chúng tôi sẽ niêm yết công khai hồ sơ xin cấp GCNQSDĐ của ông Đức tại trụ sở UBND thị trấn. Như vậy, nếu tìm thêm được 1 người xác nhận hoặc không có ai tranh chấp thì dự kiến khoảng 1 tháng nữa, chúng tôi mới có thể chuyển hồ sơ của ông Đức lên Văn phòng đăng ký đất đai huyện Long Điền để cấp GCNQSDĐ cho ông Đức.
Ông Lê Đình Thắng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP DIC số 4 cho biết, dự án khu dân cư Gò Cát (tại phường Long Tâm, TP.Bà Rịa) do Công ty làm chủ đầu tư đã triển khai từ năm 2008, với 135 lô đất xây nhà liên kế và 26 lô biệt thự. Tổng diện tích dự án là 37.201m2, được chia làm 5 GCNQSDĐ, nhưng có 1 giấy cấp sai vị trí khiến Công ty không thể chuyển mục đích sử dụng đất của toàn bộ dự án. “Mặc dù dự án đã hoàn thiện từ lâu, dân cư đã sinh sống ổn định trong dự án, nhưng Công ty vẫn chưa ra “sổ đỏ” riêng cho khách hàng được”, ông Thắng bày tỏ.
Về trường hợp này, Sở TN-MT đã thừa nhận sai sót trong quá trình cấp GCNQSDĐ cho Công ty CP DIC số 4. Để khắc phục, ngày 18-10-2017, Sở TN-MT đã làm việc với các bên liên quan đến phần đất bị cấp GCNQSDĐ sai gồm UBND TP.Bà Rịa, lãnh đạo Công ty CP DIC số 4 và Sở TN-MT. Các bên đã đi đến thống nhất điều chỉnh và cấp sổ đỏ lại cho công ty. Hiện công ty đã nộp hồ sơ về Sở TN-MT để điều chỉnh cho GCNQSDĐ bị cấp sai về vị trí.
Đã hơn 5 tháng nộp hồ sơ xin cấp GCNQSDĐ nhưng đến nay ông Phan Minh Đức (19Q khu phố Long Bình, thị trấn Long Điền, huyện Long Điền) vẫn phải chờ xác minh nguồn gốc đất. |
TẬP TRUNG THÁO GỠ
Đồng chí Nguyễn Hữu Lợi, Phó Giám đốc Sở TN-MT cho biết, tổng diện tích đất tự nhiên của tỉnh là 198.951,15ha, trong đó diện tích đất cần cấp GCNQSDĐ là 173.093,46ha; diện tích đất đã cấp cho tổ chức là 68.118,23ha (đạt tỷ lệ 98,32%); diện tích đất đã cấp cho hộ gia đình, cá nhân là 101.882,71ha (98,13%). Gần 2% diện tích đất còn lại chưa được cấp GCNQSDĐ là do những khó khăn, vướng mắc như: Một số chính sách pháp luật đất đai không phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương; nguồn gốc đất phức tạp, chồng lấn; đất tranh chấp; việc xác định đơn giá tính tiền sử dụng đất giữa cơ quan thuế và ngành TN-MT kéo dài...
Mỗi địa phương lại tồn tại những khó khăn, bất cập khác nhau. Hiện nay, TP. Vũng Tàu là địa phương có tỷ lệ cấp GCNQSDĐ thấp nhất so với các địa phương trong tỉnh (chỉ đạt 64%). Ngoài những bất cập trong chính sách pháp luật về đất đai, toàn bộ diện tích rừng trên địa bàn TP. Vũng Tàu chưa được đo đạc, do đó thành phố không xác định được đâu là đất rừng, đâu là đất ở để khoanh vùng cấp GCNQSDĐ cho dân. Đồng chí Hoàng Vũ Thảnh, Phó Chủ tịch UBND TP. Vũng Tàu cho biết, TP. Vũng Tàu đã nhiều lần đề nghị Sở TN-MT tiến hành đo đạc, lập bản đồ khoanh vùng đất rừng nhưng đến nay vẫn chưa được thực hiện khiến tỷ lệ cấp GCNQSDĐ của địa phương này thấp và tình trạng khiếu kiện kéo dài.
Người dân làm hồ sơ cấp GCNQSDĐ tại Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai TX.Phú Mỹ. |
Ở những địa phương khác mặc dù tỷ lệ cấp GCNQSDĐ cao nhưng việc cấp giấy cho phần diện tích còn lại cũng gặp nhiều vướng mắc. Theo báo cáo của UBND TP.Bà Rịa, diện tích đất trên địa bàn cần cấp GCNQSDĐ là 7.286,5ha. Trong đó, đất do các tổ chức sử dụng 1.305,8ha; đất do hộ gia đình, cá nhân sử dụng 5.980,5ha. Hiện nay, diện tích đã cấp GCNQSDĐ cho tổ chức 568ha, đạt tỷ lệ 43,5% so với diện tích cần cấp; diện tích đất đã cấp GCNQSDĐ cho hộ gia đình, cá nhân 5.632,8ha, đạt tỷ lệ 98,34% so với diện tích đất cần cấp. Diện tích đất chưa được cấp GCNQSDĐ phần lớn là do nguồn gốc đất chưa bảo đảm tính pháp lý, có biến động về ranh giới của thửa đất tại thời điểm xét cấp giấy chứng nhận so với bản đồ địa chính, đất đang có tranh chấp, các chủ giáp ranh không thống nhất ranh giới sử dụng đất, người sử dụng đất chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính…
Theo ông Trần Ngọc Cẩm Tuấn, Phó Giám đốc Văn phòng đăng ký đất đai tỉnh (Sở TN-MT), để đẩy nhanh tiến độ cấp GCNQSDĐ cho diện tích đất còn lại, Sở TN-MT sẽ phối hợp UBND huyện, thành phố và thị xã tập trung rà soát, phân loại, thống kê các thửa đất đang sử dụng nhưng chưa được cấp GCNQSDĐ; xác định rõ nguyên nhân tồn đọng, những khó khăn vướng mắc trong việc cấp GCNQSDĐ ở từng địa phương và đề xuất biện pháp giải quyết cụ thể. Đồng thời, Sở TN-MT đang khảo sát, đo đạc, cắm mốc xác định ranh giới đất rừng nằm ngoài quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng làm cơ sở phân định ranh giới đất lâm nghiệp do nhà nước quản lý và đất do người dân sử dụng; hướng dẫn, đôn đốc người sử dụng đất kê khai đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất và thực hiện các thủ tục lập hồ sơ cấp GCNQSDĐ theo quy định.
Phát biểu tại các buổi giám sát của HĐND tỉnh về việc cấp GCNQSDĐ trên địa bàn tỉnh (diễn ra trong tháng 4 và 5-2018), đồng chí Trần Văn Tuấn, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cho rằng: Một trong những mục đích của việc cấp GCNQSDĐ là để tăng cường quản lý Nhà nước về sử dụng đất và tránh thất thu ngân sách Nhà nước. Việc còn tồn đọng một phần diện tích đất, nhà ở chưa được cấp GCNQSDĐ đồng nghĩa với việc còn nhiều bất cập trong công tác quản lý, sử dụng đất; ngân sách sẽ tiếp tục thất thu, còn người dân gặp nhiều khó khăn do phải chờ cấp GCNQSDĐ. Do đó, cần có những chế tài, quy trách nhiệm của từng bộ phận trong việc chậm trễ cấp GCNQSDĐ. |
Bài, ảnh: QUANG VŨ