.
KỶ NIỆM NGÀY THẦY THUỐC VIỆT NAM (27-2):

Phía sau sự sống của bệnh nhân

Cập nhật: 16:09, 25/02/2018 (GMT+7)

Bằng đôi bàn tay khéo léo, trái tim nhân hậu của đội ngũ y, bác sĩ, nhiều bệnh nhân đã thoát khỏi “lưỡi hái tử thần” trong gang tấc. Tuy nhiên, ít ai biết được rằng, phía sau sự sống của mỗi bệnh nhân, các y, bác sĩ phải đối mặt với nhiều áp lực…

ÁP LỰC BỦA VÂY

Bác sĩ Bệnh viện Bà Rịa phẫu thuật cho bệnh nhân. 
Bác sĩ Bệnh viện Bà Rịa phẫu thuật cho bệnh nhân. 

Do đặc thù nghề nghiệp, các y, bác sĩ luôn phải đối diện với ranh giới mong manh giữa sự sống và cái chết của bệnh nhân. Bác sĩ Đinh Song Hải, Khoa Nội, Trung tâm Quân dân y Côn Đảo chia sẻ: “Đầu năm 2018, Trung tâm tiếp nhận và điều trị cho một bệnh nhân bị hôn mê sâu do ngộ độc cá nóc. Có những lúc, dấu hiệu sinh tồn bệnh nhân rất yếu, tưởng chừng như hết hy vọng, thậm chí người nhà đã xin về để lo hậu sự. Nhưng “còn nước còn tát”, chúng tôi đã động viên người nhà nên để bệnh nhân ở lại tiếp tục điều trị. Và lúc bệnh nhân mở mắt, thở trở lại thì không chỉ người nhà, mà chúng tôi cũng vui mừng khôn tả vì đã cứu bệnh nhân thoát khỏi “cửa tử”. 

Do thiếu nhân lực nên có những bác sĩ phải làm việc nhiều giờ liền trong phòng mổ. Bác sĩ Phan Văn Tú, Khoa Chấn thương Chỉnh hình, BV Bà Rịa, bộc bạch: “Có những ngày, tôi phải trực tiếp mổ liên tục nhiều ca. Khi hoàn thành ca mổ cuối thì toàn thân rã rời. Nhưng khi biết kết quả phẫu thuật thành công thì mọi mệt mỏi đều tan biến”. Hoặc gặp những ca phức tạp, bác sĩ phải đứng mổ vài ba tiếng là chuyện thường ngày. Bác sĩ Nguyễn Vĩnh Thọ, Phó Khoa Ngoại thần kinh, BV Bà Rịa, chia sẻ: “Có lần, tôi xử lý một trường hợp bị dao đâm xuyên cột sống ở vị trí khá hiểm, chỉ cần một chút sơ sẩy nhỏ trong quá trình phẫu thuật là có thể làm đứt tủy sống, khiến bệnh nhân bị liệt. Do vậy, tôi đã tập trung hết sức lực, đầu “căng như dây đàn” suốt ca mổ kéo dài gần 3 tiếng. Chúng tôi chỉ có thể thở thào nhẹ nhõm khi bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch”.

Làm nghề y, áp lực công việc cao với những tua trực thâu đêm suốt sáng, thế nhưng bác sĩ, điều dưỡng vẫn phải giữ thái độ niềm nở, hòa nhã với bệnh nhân. Để làm được điều này, đòi hỏi mỗi bác sĩ, điều dưỡng phải nỗ lực rất lớn. Điều dưỡng Nguyễn Thị Hằng, Khoa Nội tổng hợp, Trung tâm Y tế huyện Đất Đỏ nói: “Để người bệnh hài lòng, trong bất cứ hoàn cảnh, thời điểm nào, điều dưỡng vẫn phải niềm nở, giữ thái độ điềm tĩnh, ngay cả khi gặp những bệnh nhân nóng nảy, chửi mắng, xúc phạm chúng tôi”. 

KHÔNG NGỪNG NÂNG CAO TAY NGHỀ

Điều dưỡng Nguyễn Thị Hằng, Khoa Nội tổng hợp, Trung tâm Y tế  huyện Đất Đỏ ân cần chăm sóc bệnh nhi. 
Điều dưỡng Nguyễn Thị Hằng, Khoa Nội tổng hợp, Trung tâm Y tế huyện Đất Đỏ ân cần chăm sóc bệnh nhi. 

Trong năm 2017, các BV tuyến tỉnh đã triển khai thành công 22 kỹ thuật khám chữa bệnh mới do các BV tuyến Trung ương chuyển giao. Thành quả đó có sự đóng góp tài năng, công sức của các bác sĩ, điều dưỡng đã chủ động học hỏi, rèn luyện tay nghề để có thể nhận chuyển giao đạt hiệu quả tốt nhất. Gần đây nhất, BV Bà Rịa đã triển khai thành công kỹ thuật lọc màng bụng, giúp bệnh nhân suy thận mãn được chạy thận ngay tại nhà. Bác sĩ Nguyễn Văn Hương, Giám đốc BV Bà Rịa cho biết, để nhận chuyển giao tốt kỹ thuật này, ê-kíp gồm 4 bác sĩ, 4 điều dưỡng đã được cử đi đào tạo tại BV Chợ Rẫy và rèn luyện tay nghề ngay tại BV Bà Rịa dưới hình thức “cầm tay chỉ việc”.

Bên cạnh đó, nhiều y, bác sĩ đã có những sáng kiến trong công việc giúp ích cho bệnh nhân. Chẳng hạn, bác sĩ Nguyễn Phương Nam, Trưởng Khoa Chấn thương - Chỉnh hình, BV Bà Rịa, đã tự thiết kế garrote hơi tự chế hoạt động dựa trên nguyên tắc: bơm hơi căng vào túi cao su đặt trong giá garrote quấn quanh gốc chi, tạo áp lực ép vào mạch máu vừa đủ để làm ngưng sự lưu thông máu trong lòng mạch từ cơ thể đến ngón chi trong mổ chấn thương chỉnh hình. Giải pháp này vừa kiểm soát được áp lực garrote, dễ sử dụng, thỏa mãn các tính năng như: dụng cụ nhập ngoại, nhưng giá thành rẻ nên tiết kiệm nhiều chi phí cho BV và bệnh nhân. Hay những sáng kiến kinh nghiệm của điều dưỡng Đỗ Thị Hoàng Gương, Khoa Nhiễm, BV Bà Rịa giúp bệnh nhân HIV tuân thủ điều trị ARV tốt hơn, giảm tình trạng bỏ trị; Sáng kiến liệu pháp tâm lý cho bệnh nhân tâm thần bằng việc giúp bệnh nhân tham gia thiết kế, sáng tạo sản phẩm thủ công của điều dưỡng Lê Thị  Kim Loan, BV Tâm thần tỉnh… 

Bài, ảnh: MINH THIÊN

.
.
.