.

Vinh danh những người thợ giỏi

Cập nhật: 18:19, 22/02/2018 (GMT+7)

9 lao động vừa được nhận Bằng lao động sáng tạo của Tổng LĐLĐ Việt Nam là những tấm gương xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước. Bằng tình yêu công việc, những kỹ sư, công nhân… này đã có nhiều sáng kiến hữu ích, thiết thực, góp phần tích cực vào sự phát triển của DN và xã hội.

Anh Trần Văn Thắng, kỹ sư thiết kế Công ty TNHH Vard Vũng Tàu (KCN Đông Xuyên, TP.Vũng Tàu) là một trong chín lao động được nhận Bằng lao động sáng tạo của Tổng LĐLĐ Việt Nam. Đam mê kỹ thuật, trách nhiệm với công việc, trong quá trình thiết kế tàu thủy, anh Thắng luôn suy nghĩ, tìm kiếm giải pháp phù hợp, tiết kiệm nhất cho công việc. Sáng kiến gần nhất của anh Thắng là “Thay đổi phương pháp thiết kế cho hệ thống thông gió, giúp các bộ phận sản xuất chế tạo nhanh hơn và lắp đặt dễ dàng, tiết kiệm thời gian, vật tư hơn”.

Trong quá trình thiết kế cho hệ thống thông gió của tàu, nhận thấy nhiều phương án chưa chi tiết, công việc chồng chéo gây lãng phí, anh Thắng tìm cách thay đổi thiết kế. Điểm khác biệt là sử dụng 2 tấm thép đã được uốn nên khi hàn chỉ cần hàn 2 đường thay vì dùng 4 tấm thép, mất 4 đường hàn như lúc đầu. Các chi tiết được chế tạo tại xưởng trước lúc lắp vào block…

Với phương án này giúp DN giảm được 50% thời gian chế tạo và thi công (giảm từ 949,3 giờ công xuống còn 477,65 giờ). Ngoài ra, sáng kiến “Thay đổi thiết kế hộp nước xả” cho 20 con tàu của anh giúp DN tiết kiệm cho dự án Topaz cả ở Việt Nam và Rumani gần 20.000 USD. Giá trị của những sáng kiến này không chỉ giảm chi phí, tăng chất lượng sản phẩm đóng tàu trong thiết kế mới, góp phần phát triển ngành đóng tàu mà còn cải thiện môi trường làm việc cho lao động. Nói về những sáng kiến đóng góp của mình, anh Thắng cho hay: “Công ty luôn khuyến khích người lao động sáng tạo, tìm phương án nhằm giải quyết công việc tốt hơn. Vì thế, trong quá trình làm việc tôi cố gắng tìm phương án sản xuất đơn giản, tiết kiệm và bảo đảm môi trường làm việc tốt nhất cho lao động”. 

Dù làm việc ở những lĩnh vực khác nhau, nhưng các cá nhân được Tổng LĐLĐ Việt Nam tôn vinh lần này đều siêng năng, trách nhiệm và sáng tạo trong công việc.  Là công nhân trực tiếp sản xuất, anh Phan Văn Tính, Phó Phòng Kỹ thuật-Xí nghiệp Chế biến hải sản thuộc Công ty CP Thủy sản và Xuất nhập khẩu Côn Đảo không ngừng trau dồi chuyên môn, nâng cao tay nghề. Tại Xí nghiệp Chế biến hải sản, anh Tính là một trong những người có nhiều sáng kiến đóng góp cho hoạt động sản xuất của xí nghiệp. Suốt 10 năm làm việc tại công ty, ngoài sáng kiến cải tiến máy phun màu tôm mô phỏng vừa giúp giảm chi phí sửa chữa máy móc, vừa tăng năng suất sản xuất.

Anh Tính cho biết, khi vận hành, máy móc thường xuyên gặp sự cố, quá trình sửa chữa vừa tốn kém vừa làm giảm năng suất. Đứng trước khó khăn này, anh Tính đã tìm cách điều chỉnh lại máy phun tôm màu mô phỏng, giúp công ty tiết kiệm mỗi năm 9 triệu đồng tiền sửa chữa máy móc và tăng năng suất sản xuất từ 4 lên 6 tấn/ngày.  Anh Tính còn sở hữu nhiều sáng kiến được khen thưởng khác. Anh Tính cho biết, nhiều năm nay, trong quá trình chế biến hải sản, các thiết bị máy móc thường bị hư hỏng. Một số thiết bị nhập từ nước ngoài về khó vận hành do có những chi tiết không phù hợp với thực tiễn sản xuất. Với kinh nghiệm của người thợ đứng máy, anh Tính luôn tìm giải pháp khắc phục sao cho phù hợp, dễ vận hành và tiết kiệm hơn.  

Cùng nhận Bằng lao động sáng tạo lần này còn có các anh: Mã Thành Phương, Nguyễn Thái Hòa, Trần Trung Kiên, Phạm Văn Cường, Nguyễn Văn Lân… Anh Mã Thành Phương, Xí nghiệp Chế biến hải sản thuộc Công ty CP Thủy sản và Xuất nhập khẩu Côn Đảo là người có nhiều sáng kiến với những giải pháp kỹ thuật ứng dụng hiệu quả trong sản xuất hàng năm. Điển hình như sáng kiến “Cải tiến, chế tạo máy bơm định lượng sản phẩm phối trộn giữa Surimi (chả cá) với các loại rau củ bằng cách xoắn thay thế máy bơm định lượng bánh răng. Sáng kiến này đã làm giảm tình trạng rau củ bị dập nát, đảm bảo chất lượng, thẩm mỹ của sản phẩm, tăng năng suất, tiết kiệm và làm lợi hơn 700 triệu đồng/năm. Sáng kiến “Cải tiến bộ phận chống tâm cho máy tách xương da, thay thế lồng lưới nhập khẩu bằng lồng lưới của Việt Nam”, tiết kiệm cho công ty hơn 200 triệu đồng.

Hay như anh Phạm Văn Cường, kỹ sư điện giám sát kỹ thuật, Công ty TNHH Cảng quốc tế Sài Gòn Việt Nam đã có 2 sáng kiến “Chế tạo bộ thử nghiệm khung chụp Container” tiết kiệm so với nhập khẩu 300 triệu đồng và sáng kiến “Chuyển đổi hệ điều khiển cẩu khung từ analog sang digital” giúp cẩu hoạt động ổn định hơn, tiết kiệm 150 triệu đồng. Các sáng kiến của anh Cường đã được DN đánh giá rất cao. 

Trong nhiều năm làm giám sát kỹ thuật tại Công ty TNHH Cảng quốc tế Sài Gòn Việt Nam, anh Nguyễn Văn Lân không chỉ xuất sắc trong phong trào lao động sáng tạo mà còn bồi dưỡng, lên kế hoạch đào tạo cho lao động trong bộ phận. Với phương châm làm việc không nản chí nên khó khăn nào cũng được anh Lân tìm cách khắc phục. Đặc biệt, anh Lân còn khiến cho anh em trong công ty nể phục khả năng sáng tạo, tinh thần làm việc hăng say của mình. Minh chứng cho điều này là sáng kiến “Chế tạo lồng thu cáp cho cẩu bờ di động” vừa tiết kiệm điện năng, vừa tiết kiệm cho công ty 325 triệu đồng. Anh Lân nói: “Các ý tưởng của tôi đều xuất phát từ đam mê công việc, bản thân công việc đòi hỏi chúng tôi luôn phải tìm tòi, suy nghĩ để làm chủ máy móc và thúc đẩy sự phát triển của công ty”. 

Anh Nguyễn Văn Lân (bìa trái), giám sát kỹ thuật của Công ty TNHH Cảng quốc tế Sài Gòn Việt Nam, trao đổi công việc với đồng nghiệp.
Anh Nguyễn Văn Lân (bìa trái), giám sát kỹ thuật của Công ty TNHH Cảng quốc tế Sài Gòn Việt Nam, trao đổi công việc với đồng nghiệp.

Ông Châu Văn Thắng, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh cho biết: “Phong trào lao động giỏi, lao động sáng tạo” đã được LĐLĐ tỉnh chỉ đạo các cấp công đoàn đẩy mạnh từ nhiều năm nay, đem lại hiệu quả lớn trong sản xuất, kinh doanh cho các đơn vị. Năm 2017, trong số 6.469 đề tài, sáng kiến đăng ký thì có 1.832 sáng kiến được công nhận cấp tỉnh và 9 cá nhân được nhận Bằng lao động sáng tạo của Tổng LĐLĐ Việt Nam.

Bài, ảnh: ĐÔNG TRÚC

.
.
.