.

Vì sức khỏe người dân vùng nông thôn

Cập nhật: 15:50, 23/02/2018 (GMT+7)

Nhiều y, bác sĩ, nữ hộ sinh đã gắn bó gần cả cuộc đời với công tác y tế ở vùng khó khăn dù có những lời mời làm việc tại các đô thị với mức lương hấp dẫn. Sự tận tâm của họ đã góp phần chăm sóc sức khỏe nhân dân ngày một tốt hơn.

Bác sĩ Đặng Thị Hạt, Trưởng Trạm Y tế xã Châu Pha (huyện Tân Thành) khám mắt cho người dân.
Bác sĩ Đặng Thị Hạt, Trưởng Trạm Y tế xã Châu Pha (huyện Tân Thành) khám mắt cho người dân.

Những ngày đầu xuân Mậu Tuất, bác sĩ Đặng Thị Hạt, Trưởng Trạm Y tế xã Châu Pha (huyện Tân Thành) vẫn miệt mài với công việc của mình. Đây là mùa xuân thứ 24 bác sĩ Hạt gắn bó với trạm y tế này. Bác sĩ Hạt tốt nghiệp Trường Đại học Y Thái Bình năm 1991, sau đó cùng gia đình vào BR-VT và công tác tại Trạm Y tế Phú Mỹ (huyện Tân Thành). Đến tháng 6-1994, bác sĩ Hạt được luân chuyển về Trạm Y tế xã  Châu Pha. Những ngày đầu mới về đây, trạm chỉ là ngôi nhà lụp xụp, xuống cấp, trang thiết bị, nhân lực vừa thiếu, vừa yếu. Thời điểm đó, dịch sởi diễn biến phức tạp, trong khi kiến thức về dịch bệnh của người dân còn ít.

Trước tình hình này, bác sĩ Hạt cùng với các đồng nghiệp đã đến từng gia đình trong xã để tuyên truyền, tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề sức khỏe để thay đổi nhận thức của người dân về cách bảo vệ sức khỏe và phòng chống dịch bệnh. Cùng với đó, bác sĩ Hạt còn đến tận nhà thăm khám sức khỏe cho bệnh nhân. Vì vậy, người dân xã Châu Pha xem bác sĩ Hạt như người nhà. Bác sĩ Hạt chia sẻ: “Mấy chục năm gắn bó với người dân nơi đây, tôi xem họ như những người thân trong nhà. Dù có những cơ hội làm việc tốt hơn nhưng tôi vẫn tiếp tục ở lại”. Nhờ sự nỗ lực của bác sĩ Hạt cùng các đồng nghiệp, năm 2013, xã Châu Pha đạt Bộ tiêu chí chuẩn quốc gia về y tế xã. Đến nay, 100% trẻ em trên địa bàn xã đều đã được tiêm chủng và uống vitamin đầy đủ, phụ nữ được khám thai đủ 3 lần trong suốt thai kỳ. Trạm Y tế xã Châu Pha trở thành điểm sáng về y tế cơ sở.

Không chỉ có bác sĩ Hạt, nhiều y, bác sĩ khác cũng tình nguyện bám trụ ở những vùng khó khăn trên địa bàn tỉnh. Họ đã và đang cống hiến sức lực của mình cho sự nghiệp chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Nếu như đội ngũ y, bác sĩ ở các bệnh viện chỉ chuyên tâm công tác khám chữa bệnh thì đội ngũ y bác sĩ ở các trạm y tế vừa là thầy thuốc, vừa là những tuyên truyền viên khéo léo trên mặt trận bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Nhân viên Trạm Y tế xã Long Mỹ (huyện Đất Đỏ) kiểm tra sức khỏe cho người dân.
Nhân viên Trạm Y tế xã Long Mỹ (huyện Đất Đỏ) kiểm tra sức khỏe cho người dân.

Nữ hộ sinh Bùi Thị Hiệp, Trưởng Trạm Y tế thị trấn Long Điền (huyện Long Điền) tâm sự: “Năm 1993, khi tôi mới về công tác tại Trạm Y tế thị trấn Phước Hải, người dân địa phương vẫn còn quan niệm sai lầm về chăm sóc sức khỏe như: dùng thuốc Ampicillin rắc rốn trẻ sơ sinh, nằm than sau khi sinh… Vì vậy, chúng tôi phải thường xuyên xuống tận cơ sở, vừa đỡ sanh vừa kết hợp tuyên truyền cho người dân những kiến thức chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em. Nhờ đó, dần dần người dân không còn quan niệm sai lầm về chăm sóc sức khỏe như trước nữa”. Còn Nữ hộ sinh Mạch Thị Loan, Trưởng Trạm Y tế xã Long Mỹ (huyện Đất Đỏ) thì chia sẻ: “Mỗi khi nghe đâu đó có dịch bệnh, cán bộ, nhân viên y tế xã Long Mỹ lại “xắn tay” đi dập dịch. Chúng tôi vào tận ngõ, đến tận nhà từng hộ dân để vận động, tuyên truyền người dân cùng tham gia phòng, chống dịch bệnh”.

Đánh giá về những đóng góp của đội ngũ y, bác sĩ ở cơ sở, bác sĩ Phạm Minh An, Giám đốc Sở Y tế nói: “Những năm qua, hệ thống y tế tuyến xã phát triển không ngừng. Tính đến nay, toàn tỉnh có 91,5% xã, phường, thị trấn đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn 2011-2020, tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi được tiêm chủng đầy đủ đạt 98,2%, tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ ở em dưới 5 tuổi giảm còn 6,6%... Thành quả đó có sự đóng góp quan trọng của đội y, bác sĩ ở cơ sở. Họ là nòng cốt để đưa các chương trình y tế cộng đồng đến tận các gia đình”.

Bài, ảnh: MINH THIÊN, HOA VIỆT

 

.
.
.