.

Nhu cầu lao động lớn, doanh nghiệp gặp khó trong tuyển dụng

Cập nhật: 18:19, 22/02/2018 (GMT+7)

Theo dự báo của Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, năm 2018, BR-VT cần khoảng 17.500 vị trí việc làm, tăng 7,7% so với năm 2017. Tuy nhiên, dự báo, các DN sẽ gặp nhiều khó khăn trong tuyển dụng.

Người lao động ghi thông tin tìm việc làm tại phiên giao dịch việc làm được tổ chức ở TP.Bà Rịa năm 2017.
Người lao động ghi thông tin tìm việc làm tại phiên giao dịch việc làm được tổ chức ở TP.Bà Rịa năm 2017.

CAO ĐIỂM TUYỂN LAO ĐỘNG

Sau Tết Nguyên đán, nhiều DN đã bắt đầu tuyển lao động nhằm bù đắp lượng lao động nghỉ việc và đáp ứng nhu cầu mở rộng sản xuất, kinh doanh. Khảo sát tại các KCN: Đông Xuyên, Mỹ Xuân A1, Mỹ Xuân A2, Phú Mỹ, Tiến Hùng… trên địa bàn tỉnh ngay sau Tết cho thấy, nhiều DN đăng thông tin tuyển hàng ngàn lao động. Khát nguồn nhân lực vẫn đang là thực tế diễn ra tại nhiều DN trên địa bàn BR-VT.

Đơn cử như Công ty TNHH E-Top Việt Nam (KCN Mỹ Xuân A2, huyện Tân Thành), hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, gia công hàng may mặc cho các nhãn hàng trang phục thể thao nổi tiếng như Nike, Lulu Lemon, Puma đang cần tuyển 5.000 lao động. Tuy nhiên, hiện nay, công ty chỉ mới tuyển được 2.700 lao động làm việc tại các vị trí: Công nhân may, nhân viên văn phòng, công nhân bảo trì máy may… với mức lương trung bình 6 triệu đồng/tháng. Bà Ninh Thị Tình, phụ trách nhân sự công ty cho hay: “Để mở rộng xưởng sản xuất, công ty đang cần nhiều lao động nhưng vẫn chưa tuyển đủ để đưa vào vận hành xưởng sản xuất mới”. 

Tương tự, Công ty TNHH Gạch men Hoàng Gia (KCN Mỹ Xuân A, huyện Tân Thành) cũng đang gặp khó khăn trong tuyển lao động. Bà Nguyễn Thị Ngọc Xuyến, nhân viên tuyển dụng Công ty TNHH Gạch men Hoàng Gia  cho hay, để thực hiện kế hoạch sản xuất năm 2018, công ty cần 100 lao động phổ thông, công nhân kỹ thuật với mức lương trung bình 6,1 triệu đồng/tháng. Song dù đã triển khai nhiều cách như đăng thông tin tuyển dụng qua mạng, treo băng rôn, tuyển qua phiên giao dịch việc làm; nhưng tới nay công ty vẫn chưa tuyển đủ số lượng lao động. 

Đại diện DN phỏng vấn người lao động đến tìm việc tại phiên giao dịch việc làm được tổ chức ở TP.Vũng Tàu.
Đại diện DN phỏng vấn người lao động đến tìm việc tại phiên giao dịch việc làm được tổ chức ở TP.Vũng Tàu.

Trong lĩnh sản xuất giày da, Công ty TNHH Changchun Vina (huyện Long Điền) đang tuyển khoảng 1.000-2.000 lao động để đáp ứng nhu cầu sản xuất với mức lương trung bình 4-5 triệu đồng/tháng... 

VIỆC LÀM CÓ NHƯNG TAY NGHỀ KHÔNG ĐÁP ỨNG

Dù nhu cầu tuyển lao động của DN rất lớn nhưng vẫn có nhiều người lao động không tìm được việc làm. Lý giải điều này, ông Nguyễn Trọng Huy, Phó Phòng Tư vấn giới thiệu việc làm, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh cho rằng, khó nhất hiện nay là việc đào tạo nguồn nhân lực chưa đáp ứng được với nhu cầu thực tế. Có sự phân phối không đồng đều, thiếu đồng bộ trong việc tuyển sinh, đào tạo các nhóm ngành kinh tế và nhóm ngành kỹ thuật. Vì thế, sinh viên mới tốt nghiệp trong nhóm ngành kinh tế như: Kế toán, tài chính - ngân hàng, dầu khí… vẫn khó tìm được việc làm đúng chuyên môn được đào tạo. “Trong khi DN cần lao động tham gia sản xuất trực tiếp, lao động có tay nghề thì phần lớn người đến xin việc lại được đào tạo để làm công tác văn phòng, quản lý”, ông Nguyễn Trọng Huy cho biết thêm.

Công nhân Công ty TNHH Formosa (huyện Tân Thành) trong giờ sản xuất.
Công nhân Công ty TNHH Formosa (huyện Tân Thành) trong giờ sản xuất.

Để đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động, tỉnh cần phát triển mạnh nguồn nhân lực có trình độ cao, đủ về số lượng, hợp lý về cơ cấu ngành nghề, có trình độ và có chất lượng để cung cấp cho các ngành kinh tế mũi nhọn, phục vụ có hiệu quả cho quá trình công nghiệp hóa và hội nhập của tỉnh. Khuyến khích DN tham gia vào chương trình đào tạo, phát triển nguồn nhân lực với vai trò là người sử dụng cuối cùng. Đồng thời tăng cường liên kết với các DN trong đào tạo nguồn nhân lực như đào tạo nhân lực theo địa chỉ, DN tham gia giảng dạy, tổ chức cho sinh viên thực tập tại DN... 

Bà Nguyễn Thùy Hương, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh cho biết, năm 2018 trung tâm đẩy mạnh đưa các phiên giao dịch việc làm về các địa phương như Tân Thành, Châu Đức, Xuyên Mộc và nâng chất lượng, tính chuyên nghiệp của các tổ chức hoạt động dịch vụ việc làm. “Chúng tôi sẽ cố gắng hoàn thiện và nâng cao hệ thống thông tin thị trường lao động, dự báo xu hướng việc làm, nhu cầu của người sử dụng lao động để cung cấp thông tin cho người lao động”, bà Nguyễn Thùy Hương nói.

Theo khảo sát nhu cầu tuyển dụng lao động tại 2.440 DN của Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh cho thấy, tại thị trường lao động BR-VT có 65% nhu cầu nhân lực về trình độ chuyên môn là lao động phổ thông, sơ cấp nghề, công nhân kỹ thuật lành nghề; trình độ TC 23%; trình độ CĐ-ĐH và trên ĐH 17%.


Dự báo năm 2018 toàn tỉnh cần 17.500 việc làm chia đều trong 4 quý với 4.500 việc làm ở quý I, 5.500 việc làm quý II, 4.000 việc làm quý III và 3.500 việc làm ở quý IV.

Bài, ảnh: ĐÔNG TRÚC

.
.
.