.

Đòi nợ thuê - mong manh ranh giới phạm tội

Cập nhật: 18:18, 22/02/2018 (GMT+7)

Đòi nợ thuê là dịch vụ đang có chiều hướng phát triển mạnh ở Việt Nam. Tuy nhiên, ngoài những công ty làm việc với phương pháp bài bản, vừa đòi được tiền cho chủ nợ vừa giữ uy tín cho “con nợ” thì lại có không ít nhóm đòi nợ hoạt động theo kiểu “xã hội đen”, gây mất trật tự xã hội. 

Theo quy định tại Điều 175 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) về “Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, nhiều trường hợp rõ ràng là có dấu hiệu tội phạm như: Bỏ trốn, có điều kiện trả nợ nhưng cố tình không trả, tránh giao tiếp bằng cách khóa điện thoại, thay số điện thoại để người cho vay không liên lạc được; có nơi cơ quan điều tra cũng triệu tập, cũng ra lệnh “truy tìm” người bị tố cáo nhưng vẫn không có kết quả; có trường hợp người vay nợ là ông chủ DN dùng “chiêu” điều khiển công ty từ xa chứ không đến trụ sở để tránh gặp chủ nợ; có công ty gỡ bỏ biển hiệu để lừa dối người cho vay…

Không đòi được nợ, người am hiểu pháp luật thì kiên trì đề nghị, kiến nghị các cơ quan chức năng xử lý, nhưng cũng có nhiều người bức xúc đã thuê “xã hội đen” đòi nợ và hậu quả là phải đi tù do vi phạm pháp luật. Tại BR-VT đã có nhiều vụ đòi nợ theo kiểu “xã hội đen”, hậu quả là người đòi nợ thuê và chủ nợ phải vào tù. Điển hình như: Ngày 21-9-2017, TAND TP. Bà Rịa đã xét xử và tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thanh Minh 5 năm tù giam, Trần Văn Thiệu 4 năm tù giam, Trịnh Minh Lực (cùng ngụ huyện Long Điền) 30 tháng tù giam cùng về tội “Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản”. Theo cáo trạng, năm 2015, Minh cho anh Nguyễn Nhật T. (ngụ Đồng Nai) vay 270 triệu đồng. Do lâu ngày anh T. chưa trả tiền, ngày 11-11-2015, Minh đi xe ô tô chở theo Thiệu, Lực đến quán cà phê V.L. tại TP.Vũng Tàu đe dọa, yêu cầu anh T. trả tiền. Do anh T. không có tiền để trả, Minh buộc anh T. lên ô tô, chở về huyện Long Điền giam giữ và gọi điện thoại cho gia đình nạn nhân yêu cầu trả tiền. Sáng 13-11, Minh hẹn gia đình anh T. đến một quán cà phê trên đường Bạch Đằng (TP.Bà Rịa) để cùng đồng bọn lấy 50 triệu đồng thì bị công an bắt giữ.

Các bị cáo trong vụ án “Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản” tại phiên tòa ngày 21-9-2017 do TAND TP. Bà Rịa xét xử. Ảnh: XUÂN HẠ
Các bị cáo trong vụ án “Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản” tại phiên tòa ngày 21-9-2017 do TAND TP. Bà Rịa xét xử. Ảnh: XUÂN HẠ 

Trước đó, ngày 9-6-2016, TAND tỉnh đã xét xử và tuyên phạt Nguyễn Văn Ngọc 7 năm 6 tháng tù, Nguyễn Hoàng Quốc Dũng 6 năm 6 tháng tù, Nguyễn Thanh Bình 6 năm tù, Võ Minh Sen (cùng ngụ tại TP. Hồ Chí Minh) 5 năm tù về các tội “Bắt, giữ người trái pháp luật” và “Cướp tài sản”; Hồ Thị Yến Vy (trú Đồng Nai) 3 năm 6 tháng tù về tội “Bắt giữ người trái pháp luật”. Theo cáo trạng, trong quá trình làm ăn, bà Nguyễn Thúy H. (chủ Công ty T. P ở huyện Đất Đỏ) có nợ Vy số tiền 1,36 tỷ đồng. Vy nhiều lần đòi nợ nhưng bà H. chưa có tiền trả. Do đó, Yến Vy thuê Ngọc, Dũng đi đòi nợ bà H. với thỏa thuận nếu đòi được tiền thì Ngọc, Dũng sẽ được hưởng 30% trên tổng số nợ đòi được. Ngọc, Dũng đã gọi thêm Bình và Sen tổ chức bắt giữ bà H. và con trai (đưa về huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai) để đe dọa, uy hiếp tinh thần và tính mạng bà H. và con trai để đòi nợ.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng người dân thuê “xã hội đen” đòi nợ, nhưng chủ yếu là do người dân không am hiểu pháp luật, cho rằng việc thuê người khác đòi nợ là loại hình dịch vụ. Để ngăn ngừa tình trạng người dân thuê «xã hội đen” đòi nợ, thiết nghĩ các cơ quan tiến hành tố tụng Trung ương cần sớm hướng dẫn áp dụng Điều 175 Bộ luật Hình sự 2015 để các cơ quan tố tụng địa phương thực hiện, nhằm bảo đảm quyền và lợi ích của người cho vay, tránh được tình trạng phải xử lý “ngược”, bị hại trở thành bị cáo! Mặt khác, cái được lớn hơn là làm cho người dân tin vào pháp luật, tin vào các cơ quan tiến hành tố tụng khi có yêu cầu xử lý những kẻ chây ỳ không chịu trả nợ đã vay.

ĐINH VĂN QUẾ

.
.
.