.

Ngăn đà tăng giá theo lương

Cập nhật: 17:25, 11/07/2024 (GMT+7)

Kết thúc ca trực đã muộn, tôi cùng đồng nghiệp ghé quán bánh canh cá lóc quen thuộc trên đường Lê Hồng Phong, TP.Vũng Tàu để dùng bữa tối. Không gian quán vẫn vậy, nhưng bên cạnh thực đơn dán trên tường là thông báo với nội dung: Vì lý do nguyên liệu đầu vào tăng, để bảo đảm chất lượng, quán xin thu thêm 5.000 đồng/tô kể từ ngày 1/7.

Tôi khá bất ngờ trước thông báo này, bởi tô bánh canh không có gì thay đổi, vì sao lại tăng giá sốc tới gần 15% so với trước, trong khi nguyên liệu đầu vào không hề tăng? Suy nghĩ mãi, cuối cùng cũng hiểu ra: 1/7 chính là ngày mà người được hưởng lương từ ngân sách được tăng lương 30%.

Câu chuyện tô bánh canh tăng giá tới gần 15% chỉ là một dẫn chứng cụ thể. Nhiều mặt hàng thực phẩm cũng đã tăng theo để “đón đầu” việc tăng lương từ trước đó rồi. Thực phẩm tăng giá kéo nhiều mặt hàng thiết yếu khác tăng giá theo. Một bà nội trợ lên mạng than: "Trước đây, 500 ngàn đồng còn đi chợ được hai ngày, nhưng nay chỉ một vòng đã hết". Tình trạng giá tăng "đón đầu" tăng lương đã diễn ra từ nhiều năm nay. Do vậy, việc tăng lương chỉ là bù đắp một phần cho việc tăng giá.

Nhưng với phần lớn những người còn lại không hưởng lương và cả công nhân, người lao động, việc giá tăng theo lương đã khiến đời sống của họ thêm ảnh hưởng. Thu nhập và cuộc sống của đại đa số người dân vốn đã khó khăn, nay càng chật vật hơn, việc chi tiêu cũng phải tính toán, cân nhắc kỹ hơn.

Dù sao thì việc tăng lương cho cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang... lên tới 30% - mức tăng khá cao trong nhiều năm qua - là sự nỗ lực lớn của Chính phủ trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước còn nhiều khó khăn. Và đây cũng chính là niềm vui của nhiều người hưởng lương từ ngân sách. 

Tuy nhiên, niềm vui này chưa trọn vẹn, không chỉ bởi giá hàng tiêu dùng đã tăng theo mà còn vì mức giảm trừ gia cảnh khi tính thuế thu nhập cá nhân chưa được điều chỉnh theo mức tương ứng. Việc tăng lương 30% khiến thuế thu nhập cá nhân của người hưởng lương tăng theo. Cùng với việc giá hàng tiêu dùng, chi phí sinh hoạt tăng theo, các gia đình sẽ phải chi tiêu nhiều hơn.

Nhiều người lao động và chuyên gia cho rằng, mức giảm trừ gia cảnh 11 triệu đồng/tháng của người nộp thuế và 4,4 triệu đồng/tháng/người phụ thuộc là thấp, không sát thực tế. Bởi lẽ, các khoản chi phí cho việc học tập, sinh hoạt, nuôi dưỡng con nhỏ cao hơn nhiều. Do vậy, niềm vui tăng lương sẽ trọn vẹn hơn nếu như mức giảm trừ gia cảnh cũng được điều chỉnh tăng theo và nên áp dụng ngay trong năm 2024.

Bên cạnh đó, thông tin gần đây cũng khiến người tiêu dùng lo lắng là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tiếp tục báo lỗ tới 26.772 tỷ đồng trong năm 2023, dù đã tăng giá điện 2 lần với tổng mức tăng 7,5%. Nghe có vẻ chẳng liên quan gì, nhưng thực tế nỗi lo đó rất có cơ sở: EVN có thể lấy lý do này để tăng giá điện nhằm bù lỗ! Đây là điều hoàn toàn có thể xảy ra, nếu nhìn vào quá khứ, EVN đã từng nhiều lần điều chỉnh giá điện để bù lỗ như vậy.

Để tránh tình trạng tăng giá theo lương, ngày 22/6, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành công điện gửi các bộ, ngành, địa phương yêu cầu tăng cường các biện pháp quản lý, điều hành giá. Thủ tướng lưu ý các phương án giá, lộ trình điều chỉnh giá để xem xét, điều chỉnh khi cần thiết với mức độ, thời điểm phù hợp, tránh gây xáo trộn lớn về mặt bằng giá cả, không tăng giá đột ngột hoặc tăng giá dồn vào cùng thời điểm để bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát. 

Thủ tướng cũng yêu cầu với các mặt hàng điện, dịch vụ khám, chữa bệnh và mặt hàng đang xem xét điều chỉnh giá cần chủ động phương án điều chỉnh với mức độ điều chỉnh và thời điểm phù hợp, tránh gây cộng hưởng lạm phát.

NGUYỄN ĐỨC

.
.
.