Mở cánh cửa tương lai
Hào hứng và phấn khích, đó là cảm xúc của nhiều học sinh khi được tham gia “Chương trình tham quan, hướng nghiệp cho học sinh THCS, THPT năm 2022” do Sở LĐTBXH và Sở GD-ĐT phối hợp tổ chức. Chương trình đã để lại nhiều cảm xúc, ấn tượng tốt đẹp cho những HS tham gia khi được tìm hiểu và định hướng nghề nghiệp trong tương lai một cách thiết thực, sinh động, trực quan.
“Chuyến tham quan giúp em nhận ra được bản thân đang thật sự muốn gì, cần gì, hiểu rõ nhu cầu nguồn nhân lực của xã hội, từ đó có định hướng một cách cụ thể, rõ ràng về nghề nghiệp sau khi tốt nghiệp THPT”, nhiều HS chia sẻ.
Thực hiện Kế hoạch 135 của UBND tỉnh về Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2019-2025”, từ tháng 9/2022 đến nay, Sở LĐTBXH đã chủ trì, phối hợp với Sở GD-ĐT, các trường CĐ, trung cấp, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tổ chức 18 chuyến tham quan cho hơn 2.000 HS THCS và THPT trong tỉnh. Từ nay đến cuối năm, các sở ngành chức năng sẽ tổ chức thêm nhiều chuyến tham quan, hướng nghiệp nữa cho khoảng 1.000 em HS, hoàn thành chỉ tiêu mà Kế hoạch 135 đã đề ra.
Nhiều năm trước, công tác hướng nghiệp cho HS thường “gói gọn” trong phạm vi nhà trường. Hoạt động hướng nghiệp được lồng ghép với hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học phục vụ giáo dục hướng nghiệp còn hạn chế. Nhiều trường THPT phối hợp với các trường đại học, cao đẳng tổ chức ngày hội tư vấn hướng nghiệp, tuyển sinh cho HS khối 12. HS được chuyên gia của các trường ĐH, CĐ chia sẻ nhiều thông tin về ngành học, cơ hội nghề nghiệp, phương án tuyển sinh, những kỹ năng thiết yếu trong một số ngành cụ thể… giúp các em có những định hướng ban đầu về ngành học để có lựa chọn phù hợp.
Không ít ban giám hiệu nhìn nhận rằng, giáo dục hướng nghiệp kiểu truyền thống chưa giúp HS trải nghiệm thực tế, khám phá khả năng, thế mạnh, sở trường của bản thân cũng như thông tin về thị trường lao động.
Bà Rịa - Vũng Tàu là một trong những tỉnh, thành phố triển khai sớm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và công văn của Bộ GD-ĐT về giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng HS trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025. Ban giám hiệu các trường, giáo viên, phụ huynh và các em học sinh tích cực đón nhận Kế hoạch 135 của UBND tỉnh bởi nội dung của kế hoạch sát với thực tiễn, tạo nên một “kênh” hướng nghiệp có hiệu quả. Những chuyến tham quan, học tập sẽ giúp học sinh có thêm thông tin về các ngành, nghề lao động trong xã hội, hệ thống các loại hình đào tạo, dự báo về xu hướng phát triển nguồn nhân lực và những ngành nghề thu hút lao động trong tương lai, qua đó có sự lựa chọn ngành nghề phù hợp. Mặt khác, chương trình cũng góp phần thay đổi nhận thức của một bộ phận phụ huynh lâu nay thường… lựa chọn ngành nghề thay con, thay vì lắng nghe nguyện vọng của con.
Việc triển khai Kế hoạch 135 của UBND tỉnh một cách bài bản và chuyên nghiệp, cho thấy công tác hướng nghiệp và việc phân luồng HS phổ thông được lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành đặc biệt chú trọng, mở ra mối quan hệ phối hợp giữa các sở, ngành, doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cùng hướng đến mục tiêu chung là thực hiện tư vấn, giáo dục hướng nghiệp, khởi nghiệp và giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên, có một thực tế là, việc tham quan, hướng nghiệp phần lớn thường được tổ chức ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, các doanh nghiệp du lịch trong khi những chuyến tham quan thực tế, “mắt thấy tai nghe” về những trang thiết bị hiện đại cũng như được gặp gỡ kỹ sư, công nhân… tại các nhà máy, khu công nghiệp rất hiếm hoi. Tuy được coi là một hình thức hướng nghiệp sinh động, hiệu quả nhưng việc tổ chức hoạt động giáo dục hướng nghiệp tại các nhà máy, khu công nghiệp lại không dễ thực hiện. Lý do là nhà máy là môi trường đòi hỏi sự nghiêm ngặt về an toàn lao động, sự có mặt của một số lượng lớn HS khó bảo đảm an toàn trong quá trình tổ chức hoạt động học tập trải nghiệm.
Bảo đảm an toàn cho giáo viên, HS trong quá trình tham quan, học tập ở các nhà máy, khu công nghiệp, công tác giáo dục hướng nghiệp trên địa bàn sẽ có nhiều chuyển biến, tạo điều kiện để các em HS tiếp cận và lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với sở trường, năng lực bản thân. Theo đó, hoạt động hướng nghiệp cũng hiệu quả và thiết thực hơn.
NGUYỄN HƯNG NHƠN