.

Sửa đổi Luật Đấu thầu để hạn chế tiêu cực

Cập nhật: 19:08, 03/11/2022 (GMT+7)

Sau gần 10 năm có hiệu lực thi hành, Luật Đấu thầu (2013) được đánh giá là đã có rất nhiều bước tiến, tạo điều kiện thuận lợi để các địa phương, doanh nghiệp thực hiện nhiều dịch vụ mua sắm tài sản công, xây dựng công trình… bảo đảm sự công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế. Tuy nhiên, hoạt động đấu thầu hiện đang tồn tại một số bất cập, xuất hiện nhiều tiêu cực, nhiều lỗ hổng trong thẩm định giá, nâng khống giá, thông thầu, “quân xanh, quân đỏ”, chỉ định thầu…

Hàng loạt sai phạm, nhiều vụ án đã bị khởi tố, nhiều bị can đã bị bắt tạm giam trong hoạt động đấu thầu mua sắm tài sản công thời gian qua đã gây nhiều bức xúc trong dư luận. Trong đó, nổi cộm nhất là vụ nâng khống giá kít xét nghiệm COVID-19 tại Công ty Việt Á. Vụ việc đã phơi bày nhiều khuất tất, tiêu cực trong hoạt động đấu thầu, mua sắm tài sản công. Bên cạnh đó, hình thức “chỉ định thầu” cũng đang tồn tại nhiều kẻ hở, dễ bị kẻ gian lợi dụng. Thực tế cho thấy hình thức “chỉ định thầu” (1 trong 6 hình thức lựa chọn nhà thầu theo quy định của Luật Đấu thầu 2013) còn đơn giản, thời gian thực hiện nhanh nên được áp dụng tương đối phổ biến trong mua sắm tài sản công, nhưng lại dễ phát sinh tiêu cực.

“Hoa hồng”, “lại quả” trong đấu thầu, mua sắm thuốc và các thiết bị y tế xảy ra tại nhiều địa phương có thể chỉ là một trong các lĩnh vực bị phát hiện tiêu cực. Nếu nhìn rộng ra các lĩnh vực khác như đầu tư, xây dựng, giáo dục, tài nguyên môi trường, mua sắm thường xuyên của các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, mua sắm của các doanh nghiệp nhà nước… cũng khó tránh khỏi tiêu cực và luôn tiềm ẩn nguy cơ vướng phải vấn nạn này.

Theo quy định của pháp luật, dù đấu thầu công khai, rộng rãi hay chỉ định thầu thì đều phải trải qua quy trình thẩm định giá. Việc “thổi giá” tăng gấp nhiều lần so với giá trị thực thường là có sự câu kết chặt chẽ giữa cán bộ đơn vị mời thầu, chủ đầu tư với “nhiều doanh nghiệp” khác nhau, trong đó đặc biệt là với các doanh nghiệp thẩm định giá.

Trong một nghiên cứu gần đây về những vấn đề tồn tại, khó khăn và vướng mắc đối với các doanh nghiệp khi tham gia đấu thầu mua sắm tài sản công tại các địa phương cho thấy, những quy định của Luật Đấu thầu (2013) chưa bao quát được hết các trường hợp cần thiết khi áp dụng chỉ định thầu dẫn đến còn lúng túng trong thực hiện.

Việc áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt còn chưa được quy định cụ thể về trình tự, thủ tục. Một số hình thức lựa chọn nhà thầu còn bất cập trong trong quá trình thực hiện như khi thực hiện mua sắm trực tiếp hoặc chỉ định thầu. Luật hiện hành quy định về phương pháp đánh giá đối với việc lựa chọn nhà đầu tư chỉ tính đến lợi ích xã hội của dự án sử dụng đất, mà chưa bao quát tính đặc thù về phương pháp đánh giá đối với các dự án thuộc lĩnh vực chuyên ngành, các lĩnh vực xã hội hóa.

Nhằm bịt các lỗ hổng quy định pháp luật đang tạo kẽ hở cho các đối tượng lợi dụng khai thác, thực hiện hành vi vi phạm, trục lợi… Luật Đấu thầu (sửa đổi) dự kiến sẽ được thảo luận, cho ý kiến tại kỳ họp thứ tư Quốc hội khóa XV trên cơ sở mở rộng phạm vi điều chỉnh, hoàn thiện các quy định về phương thức, hình thức đấu thầu; tổ chức lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư, các doanh nghiệp và góp phần hạn chế các hành vi tiêu cực trong mua sắm tài sản công.

Luật Đấu thầu sửa đổi, cùng với Luật Giá sửa đổi sau khi được kỳ họp thứ tư Quốc hội khóa XV thảo luận, cho ý kiến và được Quốc hội thông qua, sẽ là những văn bản pháp lý quan trọng nhằm hạn chế, tiến tới ngăn chặn triệt để những hành vi tiêu cực trong hoạt động đấu thầu, mua sắm tài sản công.

Bên cạnh đó, để hạn chế tiêu cực, các địa phương, đơn vị cần tăng cường sử dụng hình thức đấu thầu rộng rãi, thực hiện công khai kết quả lựa chọn nhà thầu, hợp đồng mua sắm; kết hợp với sử dụng tối đa và tối ưu công nghệ thông tin (hệ thống mạng đấu thầu mua sắm công, đấu thầu qua mạng e-procurement) trong các hoạt động tổ chức, quản lý đấu thầu. Đồng thời, cần tăng cường giám sát đấu thầu mua sắm công thông qua hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm toán đối với các đơn vị mời thầu, các doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước về đấu thầu.

HOÀNG LÊ

.
.
.