Tăng lương sớm để bảo đảm đời sống cho cán bộ công chức
Sau rất nhiều đắn đo, suy nghĩ, cuối năm 2021 vừa qua em họ của tôi đã quyết định xin nghỉ dạy học tại một trường THCS dù đã gắn bó với nghề gần 20 năm. Lý do cũng không đơn giản chút nào, đó là lương không đủ sống. Cả 2 vợ chồng em đều làm nghề dạy học, nhiều năm qua dù khó khăn nhưng vẫn cố gắng bám trụ vì rất yêu nghề. Nhưng nay đứa con đầu của em vào đại học, chi phí tăng cao. “Ra ngoài làm dù không đúng chuyên môn nhưng bù lại thu nhập cao hơn, cuộc sống cũng đỡ vất vả hơn”, em nói.
Có lẽ câu chuyện của em họ cũng đang là vấn đề nóng trong thời gian gần đây khi xuất hiện tình trạng một bộ phận nhỏ cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc, chuyển việc, nhất là trong lĩnh vực y tế, giáo dục. Thống kê cho thấy, từ năm 2020 đến tháng 6/2022 có gần 40.000 cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc, chuyển việc, nhất là trong lĩnh vực y tế, giáo dục.
Để giữ chân và thu hút cán bộ công chức có năng lực rõ ràng là cần nhiều giải pháp đồng bộ. Tuy nhiên yêu cầu trước hết vẫn là chính sách, chế độ tiền lương phải bảo đảm cho người hưởng lương có thể sống được bằng lương, đặc biệt là trong bối cảnh các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, học phí, viện phí... tăng liên tục trong thời gian qua.
Tại Kỳ họp 4, Quốc hội khoá XV, Chính phủ đang trình Quốc hội điều chỉnh tăng lương cơ sở từ mức 1,49 triệu đồng/tháng lên mức 1,8 triệu đồng/tháng, tăng khoảng 20,8% lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức; tăng chi lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội đối tượng do ngân sách nhà nước đảm bảo khoảng 12,5% và hỗ trợ thêm đối với đối tượng nghỉ hưu trước năm 1995 có mức hưởng thấp; tăng chi trợ cấp ưu đãi người có công và tăng chi các chính sách an sinh xã hội đang gắn với lương cơ sở khoảng 20,8%. Nếu được thông qua, việc điều chỉnh này dự kiến thực hiện từ 1/7/2023. Đồng thời, từ ngày 1/1/2023, điều chỉnh tăng phụ cấp ưu đãi nghề đối với cán bộ y tế dự phòng và y tế cơ sở theo Kết luận số 25-KL/TW ngày 30/12/2021 của Bộ Chính trị.
Đây là mức tăng lương cao nhất từ trước đến nay nhằm đảm bảo giữ chân nguồn nhân lực trong khu vực công, nhận được sự đồng tình, ủng hộ của đại đa số đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân. Nỗ lực cải cách chính sách tiền lương cũng là giải pháp quan trọng khắc phục tình trạng cán bộ, công chức có năng lực nhưng nhận được lương thấp; khắc phục tình trạng cán bộ, công chức, viên chức và người lao động nghỉ việc, chuyển việc từ khu vực công sang khu vực tư.
Nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị tăng lương sớm, ngay từ 1/1/2023 thay vì 1/7 như đề xuất để góp phần giảm bớt khó khăn, bảo đảm đời sống cho người hưởng lương, kiềm chế lạm phát, kiềm giá, tránh tình trạng lương chưa tăng thì giá đã tăng. Đây cũng là mong muốn mà nhu cầu bức thiết, hết sức chính đáng của cán bộ công nhân viên chức và người lao động.
Hy vọng rằng với sự đột phá về bức tranh tiền lương sẽ không chỉ giúp cán bộ, công chức viên chức và người lao động có thể sống được bằng đồng lương, mà còn tạo động lực nâng cao chất lượng và hiệu quả công việc.
NGÔ GIA