Lãng phí nguồn lực
Trong phiên thảo luận tại Hội trường Quốc hội về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021, đại biểu của một tỉnh khu vực Đông Nam Bộ đưa ra một khái niệm phù hợp với khá nhiều lĩnh vực hiện nay trong cả nước: “Đồng phục thể chế”.
Thể chế, có thể tạm hiểu là môi trường gồm những yếu tố chính thức và phi chính thức bảo đảm cho một chủ thể hoạt động và chi phối hoạt động của chủ thể. Hiểu theo nghĩa thông dụng, thể chế dành cho một địa phương nào đó, là hệ thống các cơ chế, chính sách, tổ chức bộ máy và quản lý bộ máy, bảo đảm cho hoạt động của một địa phương… Vì thế, “đồng phục thể chế” ở bất cứ lĩnh vực hay địa phương nào đó, là sự đánh đồng, đưa vào một khuôn mẫu. Về lâu dài, sẽ kiềm chế hoặc triệt tiêu động lực phát triển.
Vị đại biểu này nêu ví dụ về tình trạng biên chế được bổ đồng ở các địa phương. Cơ bản, các tỉnh, thành đang được sắp xếp và xem xét theo một khuôn mẫu chung. Tỉnh nào cũng giống nhau, mà chưa tính đến quy mô dân số, quy mô kinh tế, dẫn đến, như ở TP.Hồ Chí Minh và các địa phương có tốc độ phát triển cao ở khu vực Đông Nam Bộ đang chịu sức ép rất lớn từ nhân sự bộ máy. Đó là sự lãng phí về nguồn lực.
Cũng xuất phát từ thực tế từ khu vực Đông Nam Bộ, đại biểu phân tích thêm một sự lãng phí khác, nhìn thấy rất rõ: Cả nước hiện có gần 1.200 km đường cao tốc, nhưng Đông Nam Bộ - vùng kinh tế động lực quan trọng của quốc gia chỉ mới có 122 km. Cơ chế, chính sách chưa phù hợp, cộng với đầu tư chưa tương xứng tiềm năng, đã làm cho Đông Nam Bộ và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam cạn dần nguồn lực, động lực để tăng trưởng. Việc chậm ban hành cơ chế, chính sách khiến lãng phí cơ hội phát triển. Sự lãng phí này kéo lùi sự phát triển.
Khó có thể nói rằng, đầu tư phát triển hạ tầng nhiều ở khu vực này, ít khu vực khác là bất hợp lý. Một tuyến đường ở tỉnh nghèo, sẽ mở ra những cơ hội phát triển mới của người dân của tỉnh đó, trong nhiều trường hợp, còn góp phần bảo đảm các nhiệm vụ quốc phòng an ninh. Đó không phải là việc có thể so sánh một cách thuần túy, giản đơn. Nhưng không thể phủ nhận thực tế, quá trình đầu tư, hoàn thiện hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông ở Khu vực Đông Nam Bộ đang quá chậm với tốc độ phát triển của vùng.
Bà Rịa - Vũng Tàu là địa phương từ trước đến nay luôn nằm trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước về nộp ngân sách. Hệ thống cảng biển Cái Mép- Thị Vải được xác định là cửa ngõ giao thương đặc biệt của cả nước trong tương lai. Nhưng phải đợi đến năm 2023, tỉnh mới có thể khởi công dự án cao tốc đầu tiên kết nối các tỉnh, thành trong khu vực. Ít nhất phải mất mấy năm nữa, người dân, du khách đến Bà Rịa - Vũng Tàu mới được đi cao tốc, tránh được tuyến QL51 thường xuyên quá tải, ách tắc.
Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn 2045 xác định Đông Nam Bộ là động lực tăng trưởng lớn nhất cả nước. Đông Nam Bộ tiếp tục là “đầu tàu” về kinh tế, đổi mới sáng tạo. Đầu tàu đó, đương nhiên phải được đầu tư cỗ máy hoàn thiện từ thể chế và hạ tầng.
HOÀNG NAM