.

"Có thực mới vực được đạo"

Cập nhật: 19:15, 25/10/2022 (GMT+7)

1 giờ 30 sáng cuối tuần, tôi bị “dựng dậy” bởi cuộc gọi của hàng xóm nhờ làm tài xế đưa cụ bà ngoài 80 tuổi đến bệnh viện cấp cứu do có triệu chứng ngộ độc nặng, tụt huyết áp.

Vừa đỗ kịch xe sát vào sảnh của khoa cấp cứu, bác bảo vệ và điều dưỡng của khoa đã nhanh chóng đẩy băng ca tới để đưa cụ bà vào trong. Khoa cấp cứu của bệnh viện sáng trưng, nhộn nhịp người vào ra, y hệt như giờ cao điểm của một cơ sở tiếp dân nào đó. 

Y, bác sĩ vội vã tiếp nhận bệnh nhân, xử trí ca bệnh theo thứ tự ưu tiên về tình trạng sinh tồn.

Ở ngay cửa ra vào, một thân nhân người bệnh là một nam giới trung tuổi, khá vạm vỡ, dạn dày “sương gió” quát nạt bác sĩ chỉ vì được yêu cầu xuất trình hồ sơ bệnh án cũ mà bệnh nhân đã khám trước đó ở phòng mạch tư do nghi mắc sốt xuất huyết.

Mất một lúc lâu sau, thân nhân người bệnh mới thấu hiểu, phối hợp với bác sĩ bằng việc xuất trình kết quả xét nghiệm, hồ sơ bệnh án chỉ nhằm để bác sĩ chẩn đoán nhanh hơn, có phương án điều trị kịp thời, tốt hơn cho bệnh nhân, nhất là trong tình huống nguy cấp, khi bệnh nhân đã sốt cao liên tục 4 ngày, trở nặng do sốt xuất huyết.

Nam điều dưỡng tiếp nhận cụ bà hàng xóm đã luống tuổi, nhưng rất nhanh nhẹn khi tiếp nhận và xử trí cho bệnh nhân ngộ độc theo y lệnh của bác sĩ. Khi cụ bà đã ổn, ông mới chia sẻ để cụ bà và thân nhân lạc quan, tin tưởng hơn vào nhân viên y tế về những kinh nghiệm sơ cứu đối với bệnh nhân đã cao tuổi, nhiều bệnh nền.

Ông còn cho biết: “Hôm nay là sinh nhật của tôi, lẽ ra tôi đã nhận sổ hưu rồi, nhưng vì thực hiện quy định tăng tuổi nghỉ hưu mà tôi lại được ở đây, gắn bó với bệnh viện thêm một thời gian nữa”. Đến tuổi hưu, trực ở khoa cấp cứu nhiều năm liền, nửa đêm về sáng cũng vẫn như giữa ban trưa, chỉ cần có bệnh nhân tới là phục vụ, dù vậy, lương bổng, thu nhập “cũng thường thôi”… ông chia sẻ.

Ở khoa cấp cứu, bệnh nhân thường “dồn” vào những khung giờ khá đặc biệt, đó là nửa đêm nửa hôm, giữa trưa hay ngay chập choạng tối. Ngày lễ, tết thì khỏi phải bàn, khi các phòng khám đóng cửa, khoa cấp cứu là điểm tiếp nhận mọi bệnh nhân nên càng nhộn nhịp.

Có vào bệnh viện mới thấu hiểu, nhân viên y tế chẳng sung sướng gì, nhất là suốt 2 năm vừa qua, khi dịch COVID-19 bùng phát, công việc chất đống như “núi”, đến về nhà thăm gia đình cũng là hiếm hoi, thậm chí còn không thể do tính chất đặc thù.

Bởi vậy, nhiều nhân viên y tế trụ với nghề ở các bệnh viện, cơ sở y tế công lập vì nhiều lý do, trong đó phần lớn là sự tâm huyết, tình yêu nghề ngay từ lúc lựa chọn học ngành y.

Tuy nhiên, để thu hút và giữ chân nhân viên y tế ở các cơ sở y tế công một cách bền vững thì cần phải xem xét nhiều yếu tố, không thể mong đợi ở tình yêu nghề hay sự lựa chọn mang tính cá nhân, cá biệt ở một số cán bộ, nhân viên y tế.

Trong hơn 2 năm qua, ngành y tế cả nước có 12.000 người nghỉ việc ở khu vực công chuyển sang tư nhân. Nguyên nhân chính của sự dịch chuyển ấy được xác định là do thu nhập.

Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV đang trong quá trình bàn thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Về căn bản phải gỡ được những “nút thắt” thu nhập; môi trường làm việc…  để y, bác sĩ và nhân viên y tế yên tâm công tác.

Bởi cha ông ta từng nói: “Có thực mới vực được đạo”!

TIỂU CƯỜNG

.
.
.