Chìa khóa cho nông sản Việt xuất ngoại
Sau 5 năm đàm phán, làm việc với phía Mỹ với những điều kiện ngặt nghèo, giữa tháng 10/2022, trái bưởi tươi của Việt Nam chính thức được xuất khẩu vào thị trường Mỹ. Đây là loại trái cây thứ 7 của nước ta được phép xuất khẩu vào thị trường Mỹ, sau xoài, nhãn, vải, thanh long, chôm chôm và vú sữa.
Để vào được thị trường Mỹ trái bưởi tươi phải bảo đảm các tiêu chuẩn yêu cầu an toàn vệ sinh thực phẩm, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, đăng ký mã số, chiếu xạ… và đặc biệt có mã số vùng trồng. Theo quy định của Mỹ, vùng trồng và cơ sở xử lý trái bưởi tươi của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này phải được đăng ký với Cục Bảo vệ thực vật và Cơ quan Kiểm dịch động thực vật Mỹ (APHIS).
Mã số vùng trồng được hiểu là mã số định danh cho một vùng sản xuất và kiểm soát tình hình sản xuất, chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc. Đây cũng chính là “chìa khóa” để mở ra những cánh cửa cho nông sản Việt vươn xa. Nhiều quốc gia trên thế giới như Mỹ, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc... đã quy định bắt buộc trái cây tươi từ các nước khác muốn xuất khẩu vào nước họ phải được cấp mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói. Thậm chí, hiện nay một số thị trường xuất khẩu trái cây vốn trước đây được xem là “dễ tính” như Trung Quốc cũng đã đặt ra yêu cầu về mã số vùng trồng.
Chính sự khắt khe trên mà sản xuất có gắn với mã số vùng trồng sẽ giúp nông dân thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp. Đó là có trách nhiệm hơn với sản phẩm mình làm ra trong nền nông nghiệp chuyên nghiệp, bảo đảm chất lượng cũng như các tiêu chí nghiêm ngặt của thị trường xuất khẩu và đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng trong nước.
Việc thiết lập và cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói nông sản là yêu cầu bắt buộc của các thị trường và thông lệ quốc tế nhằm bảo đảm tuân thủ quy định của nước nhập khẩu về kiểm dịch thực vật, an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc. Đây là một trong những giải pháp quan trọng góp phần nâng cao giá trị, chất lượng, thương hiệu nông sản. Qua đó, nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng hóa nông sản trong và ngoài nước, thúc đẩy liên kết, hình thành các chuỗi giá trị bền vững.
Hiện nay, cả nước có hơn 4.500 mã số vùng trồng và mới chỉ tập trung ở một số cây ăn trái chủ lực. Trong khi đó, công tác giám sát vùng trồng, cơ sở đóng gói sau khi được cấp mã số tại một số địa phương vẫn còn nhiều hạn chế, chưa bảo đảm duy trì đầy đủ các yêu cầu kỹ thuật theo quy định của nước nhập khẩu.
Bà Rịa - Vũng Tàu có thế mạnh về phát triển một số loại cây ăn trái như bưởi da xanh, thanh long, sầu riêng, mít Thái… Tuy nhiên đến nay, việc xây dựng và cấp mã số vùng trồng vẫn còn nhiều hạn chế. Trái cây chủ lực của tỉnh vẫn còn chưa xuất khẩu vào thị trường các nước. Vì vậy, tỉnh cần sớm có các chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển các vùng trồng và cơ sở đóng gói theo quy mô sản xuất hàng hóa đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu. Từ đó, nâng cao giá trị nông sản, bảo đảm cho trái cây Bà Rịa - Vũng Tàu có tấm vé thông hành để xuất ngoại.
NGÔ GIA