Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên không gian mạng
Thông tin từ Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết, Việt Nam hiện có khối lượng người dùng internet rất lớn. Hơn 70% dân số dùng internet, có 55% người tiêu dùng tham gia mua sắm trực tuyến, 72 triệu người dùng mạng xã hội, tất cả sẽ tạo ra một khối dữ liệu khổng lồ trên môi trường trực tuyến. Với sự bùng nổ của sàn thương mại điện tử, dịch vụ kinh doanh trực tuyến trên facebook, zalo… khiến cho việc mua sắm của người dân trở nên thuận lợi, dễ dàng hơn. Thế nhưng bên cạnh đó cũng không ít câu chuyện “dở khóc, dở cười” – vi phạm quyền lợi người tiêu dùng khi mua hàng trực tuyến.
Theo Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cho biết, các vấn đề điển hình bị phản ánh, khiếu nại rơi vào những tình huống như giao sai sản phẩm hoặc sản phẩm có thông số kỹ thuật khác so với quảng cáo trên trang web, giao hàng chậm, giao thiếu hàng khuyến mãi, giao hàng hỏng nhưng không thu hồi lại, thông tin sai giá, hủy đơn hàng không lý do, sản phẩm không có nhãn mác hay nhãn ghi sản xuất tại Trung Quốc mặc dù quảng cáo là hàng Mỹ, hàng Nhật, không cung cấp hóa đơn…
Mặc dù, việc bảo vệ người tiêu dùng khi mua hàng trực tuyến đã được đề cập tới trong Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010; Nghị định số 99/2011/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật; Nghị định số 52/2013/NĐ-CP về TMĐT; Nghị định số 85/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 52/2013/NĐ-CP… Tuy nhiên, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên không gian mạng hiện vẫn còn là một vấn đề mới và chưa có quy định cụ thể, rõ ràng, chặt chẽ, thiếu đồng bộ và chưa theo kịp với tình hình thực tiễn với sự phát triển của thương mại điện tử như hiện nay.
Chương trình làm việc của Quốc hội chiều 25/10 vừa qua, thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên trình bày Tờ trình về Dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã khẳng định, việc xây dựng Dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) nhằm khắc phục những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn gần 12 năm thi hành của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010, góp phần nâng cao đời sống nhân dân và thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước. Do đó, Dự án Luật xác định các nguyên tắc xây dựng cơ bản, gồm: Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là trách nhiệm chung của xã hội, có sự kế thừa, phát triển các quy định hiện hành, tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế phù hợp với điều kiện tại Việt Nam; bảo đảm sự cân bằng trong giao dịch giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh trên cơ sở tăng cường nhận thức và năng lực tự bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.
Đặc biệt, trong bối cảnh phát triển của công nghệ thông tin, để kịp thời điều chỉnh và tăng cường bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại các giao dịch có yếu tố mới, đặc thù, dự thảo Luật bổ sung một chương quy định về các giao dịch đặc thù, trong đó, hoàn thiện quy định về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh trong việc cung cấp thông tin, giao kết hợp đồng, tiếp nhận, giải quyết yêu cầu của người tiêu dùng trong các giao dịch, đặc biệt là giao dịch trên không gian mạng. Trong đó, có các quy định, điều chỉnh về trách nhiệm của người bán hàng, các đơn vị trung gian và cả các quy định về nền tảng bán hàng… sẽ giúp cho công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên không gian mạng sẽ hiệu quả hơn.
Theo đánh giá, dự thảo Luật đã thể chế hóa và phù hợp với chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng; phù hợp với Hiến pháp, hệ thống pháp luật và tương thích với các điều ước quốc tế. Tuy nhiên, cần tiếp tục thể chế hóa cụ thể hơn nữa, có sự đồng bộ giữa Dự thảo Luật và các văn bản pháp luật liên quan. Ngoài ra, các quy định của Dự thảo Luật cần được đánh giá, cân nhắc kỹ để Luật bảo đảm tính khả thi khi đưa vào cuộc sống.
NGÔ GIA