.

Thế giới ảo, hậu quả thật!

Cập nhật: 19:14, 28/10/2022 (GMT+7)

Mấy ngày qua, dư luận vẫn chưa hết bàng hoàng khi những hình ảnh xuất hiện trong đoạn clip dài hơn 30 giây ghi lại cảnh một nữ sinh bị đánh hội đồng dã man bằng nón bảo hiểm, được đưa trên mạng xã hội vào trưa ngày 24/10 vừa qua.

Theo đoạn clip, có 8 người (gồm 3 nam, 5 nữ) đứng vây em U., sau đó 2 bạn nữ lao vào dùng mũ bảo hiểm đánh liên tiếp vào vùng đầu nạn nhân, một số người còn lại đứng nhìn và quay clip. Vụ việc dừng lại khi có một người đàn ông đi xe đạp chứng kiến đã chạy đến căn ngăn, tuy nhiên nhóm trên vẫn hùng hổ tiếp tục dùng mũ bảo hiểm đánh, đá và kéo lê nữ sinh.

Theo xác minh ban đầu của cơ quan chức năng, sự việc xảy ra vào khoảng 17h ngày 15/10, tại khu vực 5 tầng, phường 7, TP.Vũng Tàu. Thời điểm này, em P.N.P.U. (SN 2007, học sinh lớp 10 tại một trường tư thục ở TP.Vũng Tàu), cùng 4 người khác đến khu vực 5 tầng để gặp T.T.V. (SN 2007, trú phường 7, TP.Vũng Tàu), Thúy An cùng nhóm bạn quen biết ngoài xã hội khoảng 4-5 người (chưa rõ tên tuổi, địa chỉ) của An, để giải quyết mâu thuẫn.

Tại đây, hai bên xảy ra cãi nhau, V. đi ra phía sau lưng U. cầm nón bảo hiểm đánh liên tiếp vào đầu U. và dùng chân đá vào người U. gây thương tích.

Theo ông N (cha của nữ sinh P.N.P.U.), con gái ông mâu thuẫn trên mạng xã hội với một nữ sinh đang học tại một trường THPT trên địa bàn TP.Vũng Tàu và bị em này nhờ nhóm người trên đánh dằn mặt. Hiện cơ quan công an đang điều tra, làm rõ hành vi côn đồ của nhóm người nói trên để xử lý theo quy định.

Những năm qua, cùng với sự phổ cập của Internet, mạng xã hội, đặc biệt là facebook trở thành một nền tảng giao tiếp phổ biến và được đông đảo người dân sử dụng. Việc sống ảo trên mạng xã hội cũng trở thành xu hướng của nhiều người, nhất là giới trẻ. Người thì sử dụng Facebook để trò chuyện với người thân, bạn bè, người xem mạng xã hội như một cuốn nhật ký ghi lại khoảnh khắc vui, buồn, lưu giữ hình ảnh đẹp của bản thân mình.

Song, bên cạnh ưu điểm, mạng xã hội cũng trở thành “địa bàn” của nhiều thói hư, tật xấu và hành vi vượt quá giới hạn cho phép. Nhiều cá nhân do vô tình hay cố ý đã có hành vi vi phạm pháp luật trên mạng xã hội như: tuyên truyền, kích động bạo lực, đồi trụy, tội ác, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, phá hoại thuần phong, mỹ tục. Nhiều người sa bẫy lừa đảo qua facebook chỉ vì tin vào lời quảng cáo có cánh, đặt mua thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, hàng gia dụng được cho là có xuất xứ từ châu Âu, cuối cùng nhận về hàng nhái.

Mạng xã hội đang ngày càng thể hiện sự tác động rõ ràng đối với sự hình thành quan điểm, suy nghĩ, hành vi của một số người, trong đó có giới trẻ. Vì vậy, có những câu chuyện trên mạng chỉ là cuộc sống ảo, nhưng hậu quả xảy ra thì là thật đối với mỗi người, mỗi gia đình. Do vậy, công dân cần có ý thức tuân thủ quy định của pháp luật, hạn chế các hành vi có thể gây ảnh hưởng tới cộng đồng và tới người khác.

PHÚC MINH

 

.
.
.