.

Đừng luẩn quẩn trong vòng xoáy trồng-chặt

Cập nhật: 18:32, 04/11/2022 (GMT+7)

Theo ngành nông nghiệp tỉnh, so với 3 năm trước, diện tích cây ăn trái trên địa bàn tỉnh đã tăng hơn 3.300ha. Tính đến nay, tổng diện tích cây ăn trái toàn tỉnh là hơn 13.723ha, đã vượt quy hoạch ngành nông nghiệp đặt ra đến năm 2025 gần 2.000ha.

Trên thực tế, từ nhiều năm nay, nông dân Bà Rịa-Vũng Tàu nói riêng và cả nước nói chung luôn luẩn quẩn trong vòng xoáy trồng-chặt. Thấy loại cây nào cho hiệu quả kinh tế cao, nông dân đua nhau trồng. Có một dạo, diện tích trồng cây cà phê, cây tiêu, cây điều, cây thanh long, cây mít… được mở rộng ồ ạt dẫn đến tình trạng cung vượt cầu. Giá bán thấp hơn giá thành, khiến nông dân không muốn thu hoạch, vì càng thu hoạch càng lỗ, dẫn đến đồng loạt chặt bỏ, thay thế bằng cây khác.

Những dấu hiệu của cung vượt cầu đang dần trở lại với nông dân Bà Rịa-Vũng Tàu khi diện tích cây ăn trái trên địa bàn tỉnh đã vượt quy hoạch đến năm 2025 gần 2.000ha. Thực tế mấy năm nay, giá nhiều loại trái cây như: bơ, thanh long, mít Thái xuống rất thấp khiến nông dân không có lãi. Trước đó, năm 2019, giá hồ tiêu giảm mạnh, cũng khiến người trồng tiêu điêu đứng. Nhiều hộ còn bỏ thu hoạch vì chi phí nhân công cao, càng thu hoạch càng lỗ.

Hiện nay, ngoài tiêu thụ trong nước, nhiều loại trái cây Việt Nam nói chung, của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu nói riêng có thị trường tiêu thụ chính là Trung Quốc thông qua đường tiểu ngạch. Các mặt hàng này rất dễ bị tồn đọng, rớt giá khi Trung Quốc đóng cửa biên giới hoặc thực hiện các biện pháp kiểm soát nông sản nhập khẩu. Trong quá khứ, đã từng xảy ra nhiều vụ việc hàng ngàn xe chở trái cây ùn ứ trước cửa khẩu sang Trung Quốc, khiến hàng ngàn tấn trái cây như: vải, xoài, thanh long, dưa hấu hư hỏng, phải đổ bỏ.

Hiện nay, nhiều quốc gia như Nhật Bản, Mỹ, Úc, EU… đã cho phép nhập khẩu một số loại trái cây Việt Nam. Đây là những thị trường lớn, còn nhiều tiềm năng với ngành nông nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, các điều kiện ràng buộc về xuất xứ, chất lượng sản phẩm vào các thị trường này rất khắt khe. Hiện tại, chỉ một số ít doanh nghiệp, trang trại ứng dụng kỹ thuật, công nghệ cao, tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất an toàn, đạt chuẩn VietGAP, GlobalGAP mới có thể đáp ứng được các điều kiện này. Do vậy, số lượng trái cây xuất khẩu vào các thị trường này còn khiêm tốn.

Thực tế, ở cùng một diện tích, cùng một loại cây trồng, những cơ sở áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, tuân thủ quy trình sản xuất an toàn luôn có đầu ra và giá cả ổn định hơn so với những hộ trồng theo tập quán cũ. Trong khi đó, phần lớn nông dân vẫn trồng cây ăn trái kiểu đại trà, theo tập quán cũ, chưa chú trọng đến tuân thủ các tiêu chuẩn sản xuất an toàn. Do đó, chất lượng và giá trị sản phẩm thấp, không đạt tiêu chuẩn để xuất khẩu. Đồng thời, nông dân vẫn theo tư duy cũ là thấy loại trái cây nào được giá thì đồng loạt mở rộng diện tích, dẫn đến cung vượt cầu và sa vào cái vòng luẩn quẩn: được mùa-rớt giá, rồi lại chặt bỏ.

Đã đến lúc nông dân cần thay đổi tư duy, tập quán cũ ấy để bắt nhịp yêu cầu mới của người tiêu dùng, đó là sự an toàn là trên hết. Muốn vậy, nông dân cần đẩy mạnh hợp tác với doanh nghiệp, nhà khoa học, nhà nước để thực hiện các biện pháp sản xuất sạch, đúng quy trình và có đầu ra ổn định. Đồng thời, nông dân cũng không nên chạy theo xu hướng thấy cây gì có giá trị thì ồ ạt mở rộng diện tích dẫn đến dư thừa nguồn cung. Cơ quan quản lý nhà nước và ngành nông nghiệp chỉ có thể đưa ra các khuyến cáo để nông dân nuôi trồng đúng quy hoạch và kết nối, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm. Quyền lựa chọn trồng cây gì, theo phương pháp nào là ở nông dân. Sản phẩm có được người tiêu dùng đón nhận hay không, có vào được những thị trường lớn, với giá trị cao hay không và đầu ra ổn định hay không phụ thuộc vào chính phương thức canh tác của nông dân. Có thoát khỏi vòng xoáy trồng-chặt hay không, điều đó cũng phụ thuộc vào chính nông dân!

 NGUYỄN ĐỨC

.
.
.