.

Để giành lại "thẻ xanh" đánh bắt hải sản

Cập nhật: 18:45, 20/10/2022 (GMT+7)

Những ngày này, cơ quan chức năng cũng như các địa phương đang quyết liệt vào cuộc, rà soát, kiểm tra việc thực hiện quy định chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU) để gỡ bằng được thẻ vàng thủy sản. Đây là việc làm cấp bách hơn bao giờ hết để phát triển nghề biển một cách bền vững và có trách nhiệm.

Từ năm 2017 đến nay, Việt Nam bị Ủy ban châu Âu (EC) cảnh cáo thẻ vàng vì không tuân thủ IUU. Từ đó, thủy hải sản xuất khẩu sang châu Âu bị kiểm soát 100% thay vì kiểm tra xác xuất, nghĩa là doanh nghiệp phải mất nhiều chi phí phát sinh hơn. Việc không tuân thủ IUU cũng khiến cho xuất khẩu thủy sản gặp nhiều trở ngại hơn, kim ngạch giảm sút, doanh nghiệp chế biến giảm thu mua, giá hải sản giảm, đời sống sinh kế của ngư dân cũng trở nên khó khăn hơn.

Nếu không giải quyết được các vấn đề về khai thác IUU, Việt Nam sẽ bị xác định là quốc gia không hợp tác và có thể sẽ bị áp dụng biện pháp “thẻ đỏ”. Trong trường hợp này, tất cả sản phẩm thủy sản từ khai thác của Việt Nam sẽ bị cấm xuất khẩu vào EU. Trong khi đó, xuất khẩu thủy sản sang EU chiếm khoảng 11-12% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của nước ta, tức là quy mô thị trường lên tới hàng tỷ USD. Đây cũng là nguồn sinh kế của hơn 5 triệu lao động nghề biển. Rõ ràng, hệ lụy của thẻ đỏ hải sản sẽ vô cùng nặng nề.  

Ngày 20/10, EC sang Việt Nam kiểm tra thực tế tình hình khắc phục cảnh báo “thẻ vàng” về IUU. Một trong những nội dung chính là EC sẽ tập trung vào kiểm tra hệ thống giám sát tàu cá. EC sẽ đến bất cứ tỉnh nào, mở thiết bị giám sát và chọn bất cứ tàu nào để kiểm tra giấy đăng ký nghề, giấy cấp phép, xem hồ sơ cập cảng để khớp giữa nghề đăng ký, vùng biển đánh bắt và sản lượng khai thác.

Trước đó, EC đã tổ chức 2 đợt kiểm tra thực tế tại Việt Nam vào tháng 5/2018 và tháng 11/2019 và đưa ra 4 nhóm khuyến nghị yêu cầu Việt Nam cần thực hiện trong thời gian tới gồm: khung pháp lý; theo dõi, kiểm tra, kiểm soát hoạt động tàu cá, quản lý đội tàu; chứng nhận sản lượng và truy xuất nguồn gốc thủy sản từ khai thác; thực thi pháp luật. Do đó, 5 năm qua, Chính phủ, cùng các Bộ, ban, ngành, địa phương, đặc biệt là tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu - địa phương có thế mạnh nghề khai thác thủy sản đã có nhiều nỗ lực gỡ cảnh báo này. Các lực lượng thực thi trên biển và cả đất liền gồm Cảnh sát biển, Hải quân, Kiểm ngư, Bộ đội biên phòng, Công an triển khai sát sao trong suốt 5 năm qua nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý hành vi vi phạm pháp luật trên biển về khai thác thủy sản bất hợp pháp, sớm giành lại “thẻ xanh” trong khai thác thủy sản.

Tuy nhiên, với đợt kiểm tra lần này, dù chỉ còn 1 tàu vi phạm thì EC cũng không gỡ thẻ vàng. Do đó, ngoài sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan chức năng thì không ai khác, chính ngư dân phải thay đổi tư duy đánh bắt có trách nhiệm, tuân thủ pháp luật để tiếp tục gắn bó, mưu sinh và làm giàu với nghề biển.

NGÔ GIA

.
.
.