Giấc mơ "an cư" đang đến gần?
Ngày 15/7, khi HĐND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu thông qua Nghị quyết số 35 về Chương trình phát triển nhà ở tỉnh giai đoạn 2021-2030, nhiều công nhân, lao động thu nhập thấp đã khấp khởi mừng thầm, hy vọng trong tương lai gần sẽ được sở hữu một căn hộ xã hội có mức giá mềm, phù hợp với thu nhập của mình.
“An cư để lạc nghiệp”, giấc mơ của công nhân, người lao động thu nhập thấp đang gần hơn với thông tin tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu sẽ dành gần 10.130 tỷ đồng ngân sách để xây dựng hạ tầng kỹ thuật nhà ở xã hội, nhà tái định cư và nhà công vụ, trong đó hơn 90% nhu cầu nhà ở là thuộc phân khúc vừa túi tiền, nhà ở xã hội, bình dân.
Phát triển nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Từ năm 2009, tỉnh đã triển khai chương trình nhà ở xã hội và block nhà ở xã hội đầu tiên là chung cư số 13 Lý Thường Kiệt, phường 1, TP. Vũng Tàu đã ra đời.
Thời điểm năm 2015, tỉnh đặt lộ trình xây dựng quỹ nhà ở xã hội chiếm tới 24% tổng số căn nhà xây mới trên địa bàn. Thế nhưng, sau 5 năm triển khai, số lượng nhà ở xã hội - chủ yếu từ nguồn vốn ngân sách nhà nước, chỉ đáp ứng được cho một bộ phận cán bộ công chức, viên chức. Số dự án sử dụng vốn ngoài ngân sách vẫn chưa được như kỳ vọng. Nhiều công nhân, người lao động vẫn phải đi thuê và sống trong những căn nhà trọ chật hẹp, nóng bức. Xin được nhắc lại rằng, đến nay trên địa bàn tỉnh mới có 9 dự án nhà ở xã hội và trong đó chỉ có 2 dự án do doanh nghiệp tham gia.
Có thể loại hình nhà ở xã hội không mang lại hiệu quả bằng dự án nhà ở thương mại, nhưng đó chưa phải là nguyên nhân chính khiến doanh nghiệp không mặn mà xây nhà ở xã hội.
Tại nhiều hội thảo, diễn đàn cũng như chia sẻ với báo chí, nhiều doanh nghiệp cho biết, họ rất muốn tham gia xây dựng các dự án nhà ở xã hội, góp phần cùng địa phương duy trì các chính sách an sinh xã hội, bảo đảm đời sống cho người lao động nhưng chưa thể “nhập cuộc”.
Rào cản lớn nhất - theo các doanh nghiệp là quỹ đất còn thiếu và bố trí chưa phù hợp. Cơ chế ưu đãi chưa hài hòa lợi ích. Các quy định, thủ tục quá phức tạp, kéo dài làm nản lòng nhà đầu tư. Nhiều doanh nghiệp “than” rằng, làm thủ tục cho một dự án nhà ở xã hội hiện nay phức tạp hơn, mất nhiều thời gian hơn so với thủ tục xây nhà ở thương mại. Họ cũng chia sẻ khi đấu thầu chọn nhà đầu tư cho dự án nhà ở xã hội quy mô lớn, tỉnh chọn cách làm trọn gói, điều này khiến các doanh nghiệp ở địa phương khó có cơ hội tham gia vì năng lực yếu hơn.
UBND tỉnh đã đề ra các giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ các dự án nhà ở xã hội trong thời gian tới. Theo đó, rà soát, bố trí quỹ đất (là đất sạch) để bổ sung quy hoạch xây dựng, tiến hành đền bù giải phóng mặt bằng giao cho nhà đầu tư; hỗ trợ chi phí xây dựng hạ tầng kỹ thuật trong hàng rào dự án để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư dự án nhà ở công nhân tại các khu công nghiệp, coi nhà ở cho công nhân là một hạ tầng thiết yếu của khu công nghiệp.
Tỉnh dùng toàn bộ nguồn thu từ bán nhà thuộc sở hữu nhà nước, tiền sử dụng đất tương đương với 20% nguồn quỹ đất tại các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị mới cho phát triển nhà ở xã hội và hỗ trợ đối tượng thu nhập thấp đủ điều kiện mua nhà ở xã hội. Tỉnh cũng khuyến khích các doanh nghiệp tự thỏa thuận với người dân về quyền sử dụng đất để xây dựng nhà ở xã hội như: xem xét điều chỉnh quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất để xây dựng nhà cho người có thu nhập thấp trong khu vực…
Như vậy, để hiện thực hóa hàng chục ngàn căn hộ nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp trong giai đoạn từ nay tới năm 2030, điều quan trọng nhất chính là có cơ chế, giải pháp cụ thể, tạo môi trường thuận lợi về đất đai, thủ tục hành chính, hỗ trợ, khuyến khích thu hút doanh nghiệp tích cực tham gia.
Triển khai nhanh, quyết liệt những chủ trương, chính sách, giải pháp trên đây sẽ tạo ra động lực, thúc đẩy phân khúc nhà ở xã hội phát triển, giúp đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp có thể chạm đến được ước mơ về một ngôi nhà để an cư lạc nghiệp, “không ai bị bỏ lại phía sau”.
TRƯƠNG TÙNG