.

Sức mạnh mềm của phụ nữ

Cập nhật: 18:01, 19/10/2022 (GMT+7)

Kỷ niệm 36 năm Ngày thành lập Hội LHPN Việt Nam vào ngày 20/10/1966, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhắc đến truyền thống yêu nước đầy tự hào: “Từ đầu thế kỷ thứ nhất, Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa đánh giặc cứu nước, cứu dân, cho đến ngày hôm nay mỗi khi nước nhà gặp nguy nan, thì phụ nữ ta hăng hái đứng lên, góp phần xứng đáng của mình vào sự nghiệp giải phóng dân tộc. Do đó ta có câu tục ngữ rất hùng hồn: “Giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh”.

Không chỉ ra tiền tuyến, phụ nữ còn là hậu phương vững chắc, lao động, sản xuất để có nguồn lương thực nuôi quân; cáng đáng việc nhà để chồng con yên tâm đi đánh giặc. Ghi nhận những cống hiến to lớn của chị em trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trao tặng cho phụ nữ Việt Nam 8 chữ vàng cao quý: “Anh hùng - Bất khuất-  Trung hậu - Đảm đang”.

Trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhìn nhận vai trò của phụ nữ vô cùng quan trọng ở các vị trí chủ chốt. Người cho rằng, phụ nữ có nhiều khả năng làm lãnh đạo, có nhiều phụ nữ tham gia công tác lãnh đạo ở từ cơ sở đến trung ương, nhiều người rất giỏi. Và Người cũng nhìn ra ưu điểm của cán bộ nữ là: “Ít mắc tệ tham ô, lãng phí, không hay chè chén, ít hống hách, mệnh lệnh như một số cán bộ nam”. Vì vậy, Người nhắc nhở Đảng, Chính phủ và các cấp, các ngành phải đặc biệt chú ý, cất nhắc phụ nữ vào đúng những vị trí, chức vụ phù hợp với khả năng để chị em có điều kiện phát huy năng lực của mình. Người thẳng thắn phê bình một số cán bộ của Đảng chưa đánh giá đúng về vai trò, vị trí của phụ nữ và xem đây như một “căn bệnh hết sức nguy hiểm”, cần phải kịp thời sửa chữa.

Ở giai đoạn hiện nay, khi đất nước ta đã vươn lên tầm cao mới, hội nhập toàn cầu, thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng, Nhà nước ta đặc biệt quan tâm đến phụ nữ. Mới đây nhất, ngày 15/10, nhân kỷ niệm 92 năm Ngày thành lập Hội LHPN Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì hội nghị đối thoại với phụ nữ Việt Nam với chủ đề "Thúc đẩy bình đẳng giới và phát huy vai trò của phụ nữ trong phát triển kinh tế-xã hội". Tại hội nghị đặc biệt này, Thủ tướng đã yêu cầu rà soát lại toàn bộ chính sách về bình đẳng giới, chính sách đối với phụ nữ để tiếp tục nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện, trong đó lưu ý chính sách đặc thù dành riêng cho phụ nữ trên nhiều lĩnh vực.

"Khi nói đến phụ nữ người ta hay gọi là "phái yếu" bởi sự tinh tế, dịu dàng, nhẹ nhàng và hiền hậu… Nhưng ẩn sâu trong sự yếu đuối đó, tôi muốn nhấn mạnh "sức mạnh mềm, sức mạnh của sự kiên cường, bền bỉ, dẻo dai, khả năng chống chịu và vượt qua khó khăn của phụ nữ", Thủ tướng nói. Đảng, Nhà nước luôn nhất quán quan điểm xuyên suốt là bảo đảm bình đẳng thực chất giữa nam và nữ về cơ hội, sự tham gia và thụ hưởng trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Để nâng cao hơn nữa chủ trương này, năm 2021, Chính phủ đã ban hành Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2031; Đề án "Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025"...  

Thủ tướng nhấn mạnh, chúng ta cần chăm lo cho phụ nữ tiến bộ về mọi mặt, quan tâm đầy đủ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng để phụ nữ có điều kiện thực hiện tốt vai trò người công dân, người lao động, người mẹ, người vợ, người bà, người thầy đầu tiên của con người. Đồng thời, xây dựng, phát triển vững chắc đội ngũ cán bộ nữ tương xứng với vai trò to lớn của phụ nữ là yêu cầu khách quan, là nội dung quan trọng trong chiến lược công tác cán bộ.

Để làm được những điều đó, cần phải xác định công tác phụ nữ là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội và từng gia đình; của bản thân mỗi chị em phụ nữ. Mỗi người phải vượt ra được rào cản của định kiến, sự ràng buộc bởi những hạn chế giới để khẳng định mình.

HẠ VY

.
.
.