Gỡ khó để dịch vụ logistics phát triển
Theo Kế hoạch hành động Nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics đến năm 2025, Việt Nam phấn đấu xếp hạng theo chỉ số năng lực quốc gia về logistics (LPI) trên thế giới đạt thứ 50 trở lên. Với các chỉ tiêu: Tỷ trọng của ngành dịch vụ logistics đóng góp vào GDP đạt 8-10%, tốc độ tăng trưởng dịch vụ:15-20%, chi phí logistics giảm xuống tương đương 16-20% GDP.
Số liệu thống kê của Hiệp hội DN dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) cho biết, tốc độ phát triển của ngành dịch vụ logistics nước ta những năm gần đây đạt khoảng 14-16%, với quy mô khoảng 40-42 tỷ USD. Tham gia thị trường logistics hiện có hơn 3.000 DN trong nước và gần 30 DN cung cấp dịch vụ logistics xuyên quốc gia đang hoạt động tại Việt Nam (như: DHL, FedEx, Maersk logistics, APL logistcs…)
Được đánh giá là một thị trường đầy tiềm năng và hấp dẫn cho sự phát triển, nhưng ngành dịch vụ logistics nói chung và các DN logistics của nước ta nói riêng hiện đối diện với không ít thách thức, khó khăn. Các điểm nghẽn, rào cản hiện diện ở nhiều lĩnh vực, lẫn nhiều phương thức hoạt động ở cơ sở. Trong đó, thể chế và chính sách đối với dịch vụ logistics chưa đồng bộ, còn tồn tại một số bất cập, chưa khuyến khích các DN logistics phát triển.
Thực tế cho thấy, ở nước ta hiện còn thiếu các khu kho vận tập trung có vị trí chiến lược, đồng bộ với hệ thống cảng, sân bay, quốc lộ và cở sở sản xuất. Việc kết nối các phương thức vận tải chưa hiệu quả, chưa phát huy tốt các nguồn lực về hạ tầng, nhân lực, thị trường nội địa và khu vực. Hầu hết các DN cung cấp dịch vụ logistics là những DN nhỏ và vừa, hoạt động kinh doanh còn manh mún, thiếu kinh nghiệm và tính chuyên nghiệp chưa cao. Dịch vụ logistics mà các DN kinh doanh logistics cung ứng cho khách hàng chủ yếu là dịch vụ kho bãi, vận tải hàng hóa, giao nhận hàng hóa, bốc xếp, dịch vụ phân loại, đóng gói bao bì, lưu kho…
Đặc biệt, nguồn nhân lực phục vụ cho dịch vụ logistics chưa qua đào tạo bài bản, còn thiếu và yếu, chưa đáp ứng yêu cầu nâng tầm dịch vụ logistics; nhất là thiếu các chuyên gia logistics giỏi, có năng lực ứng dụng và triển khai hoạt động tại các cơ sở. Hiện có tới 93-95% nhân viên đang làm việc trong lĩnh vực logistics chưa qua đào tạo bài bản, đa phần chuyển từ các đại lý hãng tàu, công ty giao nhận vận tải biển, chỉ thực hiện các dịch vụ đơn thuần ở các chuỗi cung ứng logistics, như: Giao nhận hàng hóa, kho bãi, xử lý vận đơn… Trong khi, đây là lĩnh vực đòi hỏi phải am hiểu hệ thống pháp luật quốc gia và các thông lệ quốc tế.
Bà Rịa - Vũng Tàu có rất nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển ngành dịch vụ logistics. Do đó, để dịch vụ logistics phát triển nhanh và bền vững, đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ, kết nối, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của khu vực cũng như của địa phương, đòi hỏi các cấp, các ngành, các DN phải triển khai đồng bộ, có hiệu quả 6 nhóm nhiệm vụ và những giải pháp tổng thể theo Quyết định số 221/QĐ- TTg của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, cần đầu tư có trọng tâm, trọng điểm cơ sở hạ tầng kết nối; tập trung phát triển các trung tâm logistics trên hành lang kinh tế ven biển; các kho bãi trung chuyển hàng hóa…
Hỗ trợ DN dịch vụ logistics, kể cả DN nhỏ và vừa, thuận lợi trong việc tiếp cận các nguồn vốn trong và ngoài nước. Rà soát, điều chỉnh quy hoạch và cơ cấu sản xuất của địa phương gắn với phát triển hạ tầng và dịch vụ logistics. Bồi dưỡng và đào tạo lại nguồn nhân lực logistics có kinh nghiệm, được trang bị đầy đủ những kiến thức chuyên môn, ngoại ngữ, am hiểu pháp luật trong nước và quốc tế. Chú trọng triển khai các hoạt động logistics trên nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin và các công nghệ mới trong lĩnh vực dịch vụ logistics.
Như lời của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tháng 12/2021: “Bà Rịa- Vũng Tàu phải phát triển theo chiều sâu, phát triển bền vững, tập trung vào dịch vụ logistics. Muốn phát triển logistics thì cần phải phát triển hạ tầng kết nối, không chỉ kết nối vùng mà còn kết nối khu vực, với các trục giao thông lớn của quốc gia và quốc tế”.
HOÀNG LÊ