.

Doanh nhân giàu, đất nước mạnh

Cập nhật: 18:47, 12/10/2022 (GMT+7)

Cuộc hẹn cà phê buổi sáng thứ Bảy của tôi với một chủ doanh nghiệp ngành may gia công xuất khẩu chỉ hơn tiếng đồng hồ nhưng phải đến 2/3 thời gian là nghe điện thoại. Lúc thì đối tác gọi giục nhanh hoàn thành đơn hàng, lúc lại xử lý công việc ở công ty. Anh kể, hơn 200 cán bộ, công nhân lao động, tính toán làm sao mỗi tháng chi gần 3 tỷ đồng tiền lương cũng khiến chủ doanh nghiệp này gần như không có ngày nghỉ.

Đó là chưa kể nhiều khi đơn hàng bị lỗi, hoặc ngưng trệ khiến cho công ty gặp nhiều khó khăn trong việc bảo đảm việc làm, thu nhập của người lao động. “Nhưng nếu không bận rộn, không năng động thì doanh nghiệp không thể phát triển”, anh nói.

Chủ doanh nghiệp này cũng như nhiều doanh nhân khác trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu nói riêng, đội ngũ doanh nhân Việt Nam nói chung, với sự bận rộn, năng động sáng tạo của mình đã và đang góp phần không nhỏ trong tạo việc làm, thu nhập cho người lao động, bảo đảm an sinh xã hội và thúc đẩy phát triển kinh tế.

Tính đến nay, Việt Nam đang có gần 7 triệu doanh nhân, 860 ngàn doanh nghiệp. Trong số này, có nhiều doanh nhân lãnh đạo các tập đoàn lớn, dẫn đầu các ngành kinh tế, đồng thời cũng có đủ sức để cạnh tranh với công ty, tập đoàn lớn nước ngoài. Đây cũng là những nhân tố có ý nghĩa quyết định nhằm thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế xã hội, đẩy lùi nguy cơ tụt hậu, hội nhập sâu rộng và nâng cao vị thế của nền kinh tế Việt Nam trên trường quốc tế.

Không phải bây giờ mà ngay trong giai đoạn đấu tranh bảo vệ nền độc lập của đất nước, vai trò của đội ngũ doanh nghiệp – doanh nhân đã luôn được khẳng định. Bắt nguồn từ lá thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 13/10/1945 gửi giới công thương Việt Nam vào thời điểm nước nhà vừa giành được độc lập, còn muôn vàn khó khăn, nền kinh tế mới manh nha của giai đoạn bảo vệ chính quyền và kiến thiết đất nước, Bác Hồ đã có tầm nhìn về vị trí, vai trò của giới doanh nhân trong sự nghiệp cách mạng và xây dựng nước nhà.

Người viết: “Hiện nay công thương cứu quốc đoàn đương hoạt động để làm nhiều việc ích lợi quốc dân. Tôi rất hoan nghênh và mong đợi nhiều kết quả tốt trong lúc các giới khác trong quốc dân ra sức hoạt động để giành lấy nền hoàn toàn độc lập của nước nhà thì giới công thương phải hoạt động để xây dựng một nền kinh tế, tài chính vững vàng và thịnh vượng”.

Với ý nghĩa đó, bắt đầu từ năm 2004, ngày 13/10 hằng năm đã được chọn làm “Ngày doanh nhân Việt Nam”, nhằm tôn vinh vị thế của doanh nhân, doanh nghiệp trong tiến trình phát triển. Sự ra đời của ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10 là một bước tiến rất quan trọng nhằm cụ thể hóa những đường lối, sự chỉ dẫn của Bác Hồ trong quá trình nâng cao vai trò của doanh nhân Việt Nam, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển bền vững, góp phần vào sự nghiệp kinh tế đất nước và hội nhập quốc tế.

Gần đây nhất, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TƯ về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa về cơ chế, chính sách; tạo môi trường sản xuất kinh doanh bình đẳng hơn nữa để doanh nghiệp trưởng thành cùng đất nước.

Trong Văn kiện Đại hội XIII Đảng ta cũng khẳng định khẳng định: “Phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh về số lượng và chất lượng, có tinh thần cống hiến cho dân tộc, có chuẩn mực văn hóa, đạo đức tiến bộ và trình độ quản trị, kinh doanh giỏi”.

Trước yêu cầu phát triển, đội ngũ doanh nhân doanh nghiệp Việt Nam bắt buộc phải giữ vững tinh thần vượt khó, năng động sáng tạo, lấy đạo đức, văn hóa kinh doanh làm gốc, lấy khoa học công nghệ hiện đại là năng lực cạnh tranh để góp phần thực hiện các mục tiêu vì một Việt Nam phát triển và cường thịnh.

NGÔ GIA

 

.
.
.