.

Trả hội phụ huynh học sinh về đúng vị trí

Cập nhật: 19:46, 14/10/2022 (GMT+7)

Đến hẹn lại lên, cứ chuẩn bị bước vào năm học mới là Bộ GD-ĐT và sở GD-ĐT các địa phương lại ra văn bản cấm lạm thu trong trường học.

Thế nhưng, các trường vẫn có nhiều cách để “lách” quy định này thông qua hội phụ huynh học sinh (PHHS). Vì vậy, ngoài những khoản chi phí bắt buộc đầu năm như: đồng phục, sách vở, đồ dùng học tập, PH còn phải còng lưng đóng hàng chục khoản mang tên “tự nguyện” do trường, lớp vận động thông qua hội PHHS. Lý do đóng góp cũng rất đa dạng và hợp lý: trang bị máy chiếu, màn hình, rèm cửa, trang trí, quạt điện, máy lạnh, cây cảnh, ghế đá, xây dựng phòng truyền thống, cải tạo nhà để xe, làm mới khuôn viên…

Tóm lại, tất cả những khoản thu “tự nguyện” đều được nhà trường khéo léo trút lên vai PHHS thông qua giáo viên chủ nhiệm. Trên danh nghĩa, nhà trường không liên quan tới các khoản thu này, nhưng thực tế, nếu nhà trường không có chủ trương, liệu giáo viên chủ nhiệm và hội PHHS có dám thu? Với mong muốn mang đến cho con em mình môi trường học tập thuận lợi nhất, hầu hết PH đều đồng thuận đóng góp khi được yêu cầu. Dù là “tự nguyện” đóng góp tùy theo điều kiện và tấm lòng, nhưng trưởng ban đại diện hội PHHS thường đưa ra mức “sàn” và hầu như không PH nào phản đối. Ai cũng nghĩ, việc đóng góp sẽ giúp “ghi điểm” với nhà trường, từ đó dễ nhờ vả, xin xỏ những quyền ưu tiên dành cho con em mình. Đó là bố trí giáo viên chủ nhiệm giỏi, tâm lý, là bố trí giáo viên bộ môn giỏi chuyên môn đứng lớp, mong con em mình được quan tâm hơn.

Có lần, tác giả được mời dự lễ khai giảng tại một trường phổ thông có tiếng trên địa bàn. Trường có hơn 30 lớp là hơn 30 lẵng hoa gửi đến chúc mừng lễ khai giảng. Dịp này, nhà trường còn tổ chức khánh thành nhà truyền thống khá quy mô với chi phí trang trí nội thất hàng trăm triệu đồng, do hội PHHS tài trợ. Nhẩm đếm mấy chục lẵng hoa mừng khai giảng trị giá mấy chục triệu đồng, cộng với số tiền hội PHHS tài trợ nêu trên, tôi thầm ước: giá như số tiền đó được chuyển thành học bổng, đồ dùng học tập, đồng phục tặng HS nghèo thì sẽ có hàng chục, hàng trăm em bớt nhọc nhằn trên con đường đến trường.

Ước chỉ là ước vậy thôi, bởi người ta sẽ giải thích rằng, khoản nào ra khoản đó. Nhà trường có quỹ khuyến học, còn phụ huynh cũng quyên góp ủng hộ HS nghèo bằng nhiều cách. Những lẵng hoa chúc mừng, những khoản tiền ủng hộ trường buộc phải có để tạo khí thế sôi nổi đầu năm học và để tạo mối quan hệ ngoại giao với nhà trường. Hơn nữa, chúng còn thể hiện bộ mặt của lớp, của trường. Hoa càng nhiều, PHHS tài trợ càng nhiều càng chứng tỏ mức độ danh giá của ngôi trường.

Mấy ngày qua, mạng xã hội dậy sóng với đoạn clip ghi lại hình ảnh không đẹp của vị phó ban đại diện hội PHHS lớp 3, một trường tiểu học tại TP. Hồ Chí Minh. Trong clip, vị PH này đã có lời lẽ mạt sát, xúc phạm những PH nghèo, “không có đủ tiền đóng góp” để xây dựng lớp như mong muốn. Vì sao một vị phó ban đại diện hội PHHS do chính các PH bầu lại có thái độ như vậy? Nếu không phải áp lực từ nhà trường, từ giáo viên chủ nhiệm, liệu rằng vị PH nọ có hành xử như vậy? Thái độ đó khiến người xem, trong đó có cả HS sẽ có cái nhìn sai lệch về giá trị của đồng tiền. HS sẽ có tâm lý so sánh, tự cao hoặc tự ti vì hoàn cảnh của mình.

Theo Điều lệ hội cha mẹ học sinh, ban hành kèm theo Thông tư số 55/2011/TT-BGDĐT ngày 22/11/2011 của Bộ GD-ĐT, hội PHHS có vai trò phối hợp với giáo viên chủ nhiệm lớp và giáo viên bộ môn tổ chức các hoạt động giáo dục HS; tham gia giáo dục đạo đức cho HS; bồi dưỡng, khuyến khích HS giỏi, giúp đỡ HS yếu kém; giúp đỡ HS nghèo... Thế nhưng, vai trò đó của hội PHHS ở nhiều trường học đã bị biến tướng. Hội PHHS dần trở thành “cánh tay nối dài” của nhà trường, chủ yếu làm nhiệm vụ thu các khoản đóng góp tự nguyện để phục vụ hoạt động ngoài chuyên môn của nhà trường.

Tình trạng lạm thu trong trường học đã gây bức xúc trong dư luận nhiều năm qua; là nỗi ám ảnh với nhiều PH, HS có hoàn cảnh khó khăn, thậm chí khiến những PH, HS khó khăn bị đối xử bất bình đẳng. Do vậy, đã đến lúc, hội PHHS cần được trả về đúng vị trí, vai trò tốt đẹp như quy định trong Điều lệ hội.

THÙY VÂN

.
.
.