Im lặng liệu có là vàng?
Trong báo cáo sơ, tổng kết ở các cơ quan, đơn vị, không quá hiếm để bắt gặp ở mục hạn chế: Còn có một số cán bộ, công chức, viên chức, người lao động e dè, ngại phát biểu, ít đóng góp ý kiến, chưa mạnh dạn trong phê bình và tự phê bình… Tại một buổi kiểm tra việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở gần đây mà tôi được tham dự, đại diện đoàn kiểm tra đã phân tích khá sâu về vấn đề này, khi cho rằng, lãnh đạo của đơn vị phải tìm hiểu kỹ tâm tư nguyện vọng của anh em và phải khắc phục được tình trạng “im lặng”, không tham gia ý kiến tại các cuộc họp hay cuộc thảo luận tập thể. Và khi đã không có ý kiến tại cuộc họp chính thức thì không ai được “bàn ra tán vào” mỗi khi “trà dư, tửu hậu”.
Từ xa xưa, dân gian ta có câu “im lặng là vàng”, với hàm ý khuyên nhủ trong mối quan hệ hàng ngày, nên có thái độ khiêm nhường, nhã nhặn và biết im lặng khi cần thiết nếu lời nói của mình có thể làm tổn thương, gây hại cho người khác hoặc làm rắc rối thêm vấn đề...
Nhưng, trong cuộc sống, “im lặng” không phải lúc nào cũng là “vàng” mà có thể trở thành nguy hại cho sự phát triển của một cơ quan, đơn vị, thậm chí quy mô nhỏ hơn là ở gia đình và rộng ra là toàn xã hội. Trong gia đình, “im lặng là vàng” có thể dẫn đến bố mẹ, vợ chồng, con cái không thấu hiểu nhau, không chỉ ra cái sai để sửa, dẫn đến gia đình chỉ là nơi tập hợp những “mảnh ghép” rời rạc, dễ tan vỡ… Còn ở cơ quan, đơn vị, khi cán bộ, đảng viên thấy đúng không ủng hộ, thấy sai không dám đấu tranh về lâu dài khó tránh khỏi hậu quả khôn lường cho tập thể.
Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) của Đảng về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ” chỉ rõ 27 biểu hiện suy thoái. Trong đó có một biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị là: “Trong phê bình thì nể nang, né tránh, ngại va chạm, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh”.
Trên thực tế, để xóa bỏ “sự im lặng” trong một tập thể không phải dễ, có nhiều lý do để “ai đó” chọn im lặng. Nhưng, cho dù xuất phát từ nguyên nhân nào thì sự “im lặng” đều gây hại cho sự phát triển của đơn vị, địa phương và mở rộng ra là đất nước.
Chính vì vậy, ở mỗi tập thể, từ quy mô nhỏ đến lớn đều phải tìm giải pháp xóa bỏ vấn nạn này. Phải chỉ rõ cho cán bộ, đảng viên thấy được quyền tham gia đóng góp ý kiến, quyền đấu tranh, phê và tự phê của chính mình.
Chỉ rõ tác hại của “im lặng” khi cán bộ, đảng viên, nếu thể hiện sự im lặng như trên thì lâu ngày sẽ vô hình trung trở thành kẻ đồng lõa với cái xấu, dung túng cho cái sai và tiếp tay cho cái ác lộng hành. Khi cán bộ, đảng viên không bày tỏ thái độ, hành động gì trước một sự việc đáng lẽ phải có chính kiến kịp thời, vì lợi ích chung thì đó là biểu hiện của sự vô trách nhiệm.
Trong một tập thể, vai trò của người lãnh đạo vô cùng quan trọng, đặc biệt là trong phát huy quy chế dân chủ ở cơ sở. Trong đó, việc đẩy mạnh giáo dục, rèn luyện nâng cao bản lĩnh chính trị, trách nhiệm công vụ cho cán bộ, đảng viên; coi trọng văn hóa phản biện lành mạnh; kiên quyết vạch trần, đấu tranh phòng, chống tình trạng số đông “im lặng” cũng là một trong những việc làm cấp thiết để góp phần xây dựng tập thể trong sạch, vững mạnh.
Im lặng chắc chắn không phải là vàng khi thấy sai mà không dám nói, thấy đúng mà không dám bảo vệ. Và im lặng chỉ để đồng lõa, tư lợi cho mình thì chắc chắn càng không phải là vàng, cần phải tìm mọi cách để xóa bỏ.
TIỂU CƯỜNG