Gỡ "điểm nghẽn" cho hàng nội
“Phấn đấu 100% huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh xây dựng được chuỗi phân phối sản phẩm doanh nghiệp nhỏ và vừa, HTX, hộ nông dân sản xuất hàng Việt Nam tại thị trường trong nước với tỷ lệ trên 85% tại các kênh phân phối hiện đại như thương mại điện tử, trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini; trên 80% kênh phân phối truyền thống (chợ, cửa hàng tạp hóa)”. Đó là một trong những mục tiêu trọng tâm của Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2021-2025 vừa được UBND tỉnh ban hành.
Với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, HTX và hộ nông dân, đó chắc hẳn là một tin vui, bởi đây là cơ hội để tham gia bán hàng trên các kênh phân phối hiện đại. Người tiêu dùng muốn mua hàng nông, thủy sản “cây nhà lá vườn” trong siêu thị cũng thuận lợi, dễ dàng. HTX, doanh nghiệp cung ứng cũng như nông dân hy vọng thời gian tới, nhiều giải pháp hỗ trợ tiêu thụ cho hàng nông, thủy sản của địa phương sẽ được triển khai trong khuôn khổ Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Bà Rịa - Vũng Tàu có nhiều mặt hàng nông, thủy sản có chất lượng được người tiêu dùng quan tâm. Đó là, thanh long Bông Trang, bưởi da xanh Sông Xoài, quýt đường Xuyên Mộc, chả cá Phước Hải, mắm bằm Hòa Long, rượu Hòa Long, cá thu, mực một nắng Côn Đảo và nhiều sản phẩm khác như rau an toàn, dưa lưới, sầu riêng, nhãn xuồng, mật ong, ca cao, cà phê… Phần lớn các sản phẩm nói trên đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Văn bằng bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, được các sở, ngành của tỉnh tích cực xây dựng, phát triển và quảng bá thương hiệu. Tuy vậy, để mua được những mặt hàng này không phải dễ. Sản phẩm làm ra phần lớn các HTX, nông dân vẫn phải tự sản xuất, tự tiêu thụ tại chợ truyền thống hoặc thông qua thương lái.
Trong các kênh phân phối hiện đại, siêu thị được coi là một kênh phân phối hiệu quả. Để được vào các hệ thống siêu thị, hàng hóa cần phải đáp ứng nhiều tiêu chuẩn về chất lượng, mẫu mã, an toàn vệ sinh thực phẩm, khả năng cung ứng, vận chuyển, giá cả… Đây là những thách thức không nhỏ với các HTX, hộ nông dân bởi quy mô sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ, không bảo đảm nguồn cung. Chính những hạn chế về mẫu mã, bao bì, quy cách hàng hóa, chế độ giao hàng, bảo quản… khiến cho hàng hoá, nông sản của tỉnh trong hệ thống siêu thị thời gian qua còn ít ỏi.
Để không đứng ngoài “sân chơi” này, các HTX, hộ nông dân phải nỗ lực khắc phục những điểm yếu trên đây. Tất nhiên, để làm được điều này cần có sự hỗ trợ của các sở, ngành, chính quyền địa phương. Trước mắt, cơ quan chức năng có thể giúp gỡ “điểm nghẽn” cho hàng hóa, nông sản của HTX, hộ nông dân bằng việc vận động, tìm kiếm các doanh nghiệp làm cầu nối để cung cấp cho nhà phân phối. Đại diện các siêu thị cho biết không bán được hàng nông thủy sản của tỉnh cũng tiếc và họ cần có một đơn vị đầu mối để cung ứng hàng bảo đảm chất lượng và ổn định. Đây cũng là cơ hội để siêu thị đồng hành với nhà sản xuất để cùng nhau phát triển, đưa những mặt hàng tốt nhất đến người tiêu dùng.
Chuyển đổi số là hướng đi cần thiết để cải tiến sản xuất, mở rộng thị trường. Nhiều HTX, doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn đang loay hoay trên hành trình chuyển đổi số. Sự hỗ trợ giúp chuyển đổi phương thức sản xuất, từ truyền thống sang hiện đại để tăng hiệu quả sản xuất, kinh doanh của cơ quan chức năng vào lúc này là rất cần thiết. Mặt khác, ý kiến của lãnh đạo Sở Công thương cũng rất đáng lưu ý khi vị này cho rằng, ngoài các hệ thống siêu thị, khối khách sạn, khu du lịch trên địa bàn tỉnh cũng là một kênh phân phối tiềm năng. Đó là nơi tập trung nhiều khách du lịch, nếu đưa được các sản phẩm chất lượng của tỉnh vào đây sẽ tạo được sức lan tỏa, người tiêu dùng sẽ biết đến sản phẩm nhiều hơn.
Với Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, cơ hội đang rộng mở nhưng nếu mỗi doanh nghiệp, HTX và bà con nông dân không chủ động nắm bắt; các sở, ngành, cơ quan chức năng không có sự hỗ trợ kịp thời thì cơ hội cũng sẽ vuột khỏi tầm tay.
Giải quyết được những bài toán trên đây, hàng Việt có xuất xứ tại Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ rộng đường vào các kênh phân phối hiện đại, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, góp phần bình ổn thị trường và cải thiện đời sống người dân.
NGUYỄN TRIỆU HẢI