Lý lẽ của chị bánh mì
Bánh mì Việt Nam đã trở thành món ăn nổi tiếng thế giới. Hẳn ai cũng biết. Bánh mỳ được đưa vào từ điển Oxford như một từ dành riêng cho món ăn nức tiếng của người Việt. Nói đến bánh mì, người nước ngoài thường say mê bánh mì kẹp thịt, pa-tê với nước sốt đặc trưng và những loại rau thơm chỉ ngon khi trồng ở vùng khí hậu nhiệt đới như Việt Nam… Nhưng hẳn họ sẽ ngạc nhiên, khi biết rằng, bánh mì của người Việt đâu chỉ ăn kèm thịt heo và pa - tê. Có vô số loại nhân hấp dẫn khác mà người Việt có thể nghĩ ra như: trứng chiên, chả lụa, thịt nguội, xúc xíc, bơ sữa…
Có thể nhiều người ở BR-VT sẽ tức anh ách vì trong danh sách được nhắc đến ở trên, chưa có loại bánh mì đã rất quen với người dân xứ biển: bánh mì chả cá. Đây là món ăn rất phổ biến của người BR-VT, thường được bán từ giữa giờ chiều trở đi. Loại chả cá dùng làm nhân bánh mì được chế biến theo một cách riêng, với vị ngọt đậm đà, miết thành dây dài, khác xa với cách chế biến món chả cá ở các tỉnh từ miền Trung trở ra. Có lẽ vì thế, chả cá làm theo cách của người BR-VT rất hoàn hảo và vừa vặn với ổ bánh mì.
Gần như mọi ngóc ngách của các đô thị ở BR-VT đều có những gánh bánh mì chả cá đơn sơ. Vì tính chất chế biến không quá cầu kỳ và phức tạp, nên những gánh hàng thường chỉ có một chảo dầu chiên, vài liếp trứng, một rổ rau thơm và khay đựng tương ớt, tương cà, xì dầu… Người bán chế biến bằng kinh nghiệm và sự cảm nhận riêng về hương vị. Hầu hết họ đều là những người lao động chân chất, ít được học hành và lấy những góc phố nhỏ làm chỗ mưu sinh.
Về hương vị của bánh mì chả cá, khó ai có thể nói nơi nào ngon nhất. Đó là sự đánh giá phải tìm cả đời cũng không tài nào đi đến điểm chung. Nhưng nếu những ai còn đang tìm kiếm địa chỉ để có thể mua những ổ bánh mì chả cá nóng hổi, ngon lành tại TP.Bà Rịa, thì người viết bài này xin được giới thiệu về một điểm bán. Đó là góc phố nhỏ, ngay sát trường Đại học sư phạm Bà Rịa-Vũng Tàu. Người bán là một phụ nữ trung tuần, hiền lành và vui vẻ. Chị mở bán từ 3 giờ chiều và thường bán hết sạch sẽ vào 8 giờ tối.
Mấy bữa trước, như thường lệ, tôi lại ghé quán và mua một ổ bánh mì chả cá cho buổi tối phải làm việc thông tầm. Lâu lắm rồi, chắc cũng hơn 4 tháng, kể từ ngày COVID-19 ập đến, tôi mới gặp lại chị. Chúng tôi chào nhau thân thiết dù không biết tên. Vẫn ổ bánh mì nóng hổi và ngon lành. Vẫn một thái độ cởi mở và chừng mực. Tôi gợi chuyện thân mật:
- “Bán buôn đợt này cũng khó hả chị. Vừa rồi, dịch dã vậy chị có được nhà nước hỗ trợ gì không?”.
- “Dạ có anh, em được nhận 1 lần hỗ trợ rồi, một triệu rưỡi. Nghe phường nói, còn có thêm đợt hỗ trợ nữa, nhưng chưa thấy…”
-Ừ, thì đôi lúc mình cũng phải chờ…
Chưa đợi tôi nói hết câu, chị ngắt lời:
“Dạ, em hiểu chứ. Nhà nước lo cho dân vậy còn gì bằng. Có phải riêng mình đâu. Biết bao nhiêu người khổ. Em thấy nhiều người tưởng nhà nước mình lắm tiền hay sao. Yêu sách này nọ, có hay ho gì. Sao không lo cho Nhà nước”?
Tôi không bất ngờ với lý lẽ của chị. Cũng phải, một người hiền hậu, chân chất thế kia (ít ra là theo cảm nhận của bản thân tôi), lại quanh năm làm lụng chăm chỉ, há cứ phải trông chờ vào ai. Nhưng tôi thích cái cách nói chuyện của chị. Tôi thấy chữ “lo” chị dùng tự nhiên mà thật thà. Nhà nước “lo” cho dân, cũng như dân “lo” cho Nhà nước. Như cha mẹ lo cho con cái; con cái lo cho cha mẹ - là luân thường, đạo lý ở đời.
Nhưng đâu phải ai cũng tường tận cái đạo lý đó. Trong những ngày căng thẳng vì dịch bệnh, tôi biết có những người giàu có đề huề, của cải ăn không hết, nhưng cứ nằng nặc vì những sự hỗ trợ về vật chất chưa được đáp ứng.
Có thể, họ suy nghĩ theo lý lẽ của họ. Có thể họ muốn một sự công bằng tuyệt đối. Còn với tôi, tôi yêu cái lý lẽ của chị bánh mì. Cũng giống như cái hương vị chân chất, đạm đà của ổ bánh mì chả cá quê hương.
H.D.H