Suy nghĩ kỹ trước khi đi du lịch
Anh bạn tôi đang sinh sống và làm việc tại tỉnh Bình Dương. Đầu tuần, anh nhắn tin cho biết sẽ có chuyến công tác tại Vũng Tàu vào cuối tháng 10 và hỏi nếu đến địa phương thì có chỗ lưu trú hay không và cần làm những thủ tục gì. Anh dự định cho cả gia đình đi tắm biển, thưởng thức hải sản, vì đã gần nửa năm bị hạn chế di chuyển do dịch bệnh bùng phát nên cả nhà cùng “cuồng chân”.
Sau khi tôi cung cấp các thông tin cần thiết, trong đó có quy định các cơ sở lưu trú chưa được phép phục vụ khách,
còn nhà hàng và quán ăn chỉ được bán mang về, anh đã thay đổi ý định. Chuyến công tác của anh vẫn diễn ra theo lịch, nhưng anh tự lái xe đi một mình và sẽ quay về ngay trong ngày, sau khi xong việc. Dự định du lịch cùng gia đình sẽ được anh thực hiện khi dịch bệnh COVID-19 thực sự được kiểm soát và các hoạt động du lịch, dịch vụ được phục vụ khách tại chỗ.
Thế nhưng không phải ai cũng có ý thức tìm hiểu thông tin về điểm đến trước khi đi như bạn tôi. Từ ngày 16/10, khi tỉnh BR-VT từng bước mở cửa, nới lỏng các biện pháp giãn cách và không yêu cầu người vào tỉnh phải có giấy xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2, hàng chục ngàn người dân từ các tỉnh, thành lân cận như TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai đã đổ xô về BR-VT để tham quan, tắm biển, nhất là vào dịp cuối tuần.
Đây đều là những địa phương có diễn biến dịch phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm dịch cho BR-VT rất cao. Trên thực tế, trong số các ca bệnh ghi nhận ngoài cộng đồng 2 tuần nay, phần lớn là có nguồn lây từ ngoại tỉnh. Trong đó, có những trường hợp từ các tỉnh, thành trên về BR-VT đã làm phát sinh các ổ dịch, khiến cho tình hình dịch bệnh trên địa bàn vốn đã được kiểm soát tốt, nay lại trở nên phức tạp ở một số địa phương.
Thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ, các địa phương trong cả nước phải nới lỏng các biện pháp phòng dịch nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại của người dân và phát triển kinh tế-xã hội. Việc đi lại làm ăn là nhu cầu chính đáng, nhưng bên cạnh đó vẫn có nhiều người chưa nêu cao ý thức phòng, chống dịch, còn tư tưởng chủ quan, lơ là, đến BR-VT chỉ với mục đích tắm biển, ngắm biển. Đáng chú ý, nhiều người chưa chấp hành nghiêm quy định 5K, không đeo khẩu trang và tụ tập đông người nơi công cộng. Những hành vi này là nguy cơ lây lan dịch bệnh vào địa phương rất cao.
Trong điều kiện bình thường, việc tắm biển, tham quan, thưởng thức hải sản… là nhu cầu không thể thiếu của mỗi người. Ngành du lịch BR-VT luôn sẵn sàng chào đón du khách thập phương. Thế nhưng, trong bối cảnh dịch bệnh chưa được kiểm soát hoàn toàn và đang có nguy cơ gia tăng trở lại ở khu vực phía Nam, cũng như sự lây lan nhanh do các biến chủng virus mới, hoạt động du lịch chưa phải là nhu cầu thiết yếu, cần tạm gác lại và du khách chưa được khuyến khích đến BR-VT lúc này.
Những ngày qua, các cơ quan chức năng địa phương đã xử lý quyết liệt với những hành vi vi phạm quy định về phòng, chống dịch. Chẳng hạn, Công an TP. Vũng Tàu đã khởi tố vụ án hình sự “Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người”, xảy ra tại phường Rạch Dừa theo Điều 240, Bộ luật Hình sự. Vụ án này có liên quan đến một trường hợp đang sinh sống tại TP.Thuận An, tỉnh Bình Dương về thăm nhà chị gái tại phường Rạch Dừa, sau đó làm lây lan dịch bệnh tại phường này. Một khách sạn tại Bãi Sau, TP. Vũng Tàu đã bị đoàn công tác liên ngành của Thanh tra Sở Du lịch, Công an TP. Vũng Tàu và phường Thắng Tam lập biên bản vì có hoạt động đón khách ngoại tỉnh nhưng chưa được phép…
Các trường hợp vi phạm quy định về phòng, chống dịch rồi sẽ bị xử lý thích đáng theo quy định của pháp luật. Nhưng để ngăn chặn dịch lây lan, điều quan trọng là mỗi cá nhân cần nêu cao ý thức trong phòng, chống dịch; chủ động khuyên nhủ, cảnh báo người thân, bạn bè đang ở vùng dịch hạn chế về/đến BR-VT nếu không có việc cần thiết. Trường hợp buộc phải về/đến thì cần tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch; thực hiện khai báo y tế đầy đủ và tự cách ly, theo dõi tại nhà đúng thời gian, góp phần cùng chính quyền phòng, chống dịch hiệu quả và để có chuyến đi thực sự an toàn, ý nghĩa.
NGUYỄN ĐỨC