.

Không được chủ quan với dịch bệnh

Cập nhật: 21:12, 21/10/2021 (GMT+7)

Cô Nga, hàng xóm nhà tôi ngã bệnh nặng giữa lúc tỉnh đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Hai con cô đều đang sinh sống và làm việc tại TP. Hồ Chí Minh, cũng trong thời gian dịch bệnh bùng phát nên suốt mấy tháng trời, các con cô không thể về thăm mẹ. Sau ngày 16/10, tỉnh nới lỏng một số biện pháp giãn cách, chị Thu Hương - con gái lớn của cô - vội thu xếp về thăm mẹ tại TP. Vũng Tàu.

Chị Thu Hương đã được tiêm đủ 2 mũi vắc xin phòng COVID-19. Trước khi về, chị đã đi xét nghiệm và có kết quả âm tính với SARS-CoV-2. Về đến nhà, chị lại được yêu cầu ra trạm y tế phường khai báo y tế và được hướng dẫn thực hiện các biện pháp tự cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà trong thời gian 7 ngày. Ở TP. Hồ Chí Minh cả năm mới về thăm gia đình được đôi lần, nên chị rất áy náy khi không thể đến thăm các cô, các chú và người thân như những lần trước. Chị đành gọi điện hỏi thăm và xin lỗi từng người vì điều này. Ai cũng thông cảm và động viên chị thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch COVID-19 nhằm góp phần bảo vệ chính mình và người thân.

Tuy nhiên, không phải ai cũng có ý thức cao trong việc phòng, chống dịch như gia đình cô Nga. Sau khi tỉnh BR-VT cho phép một số hoạt động được mở lại, trong đó có việc cho người ngoài tỉnh vào địa bàn, địa phương liên tiếp ghi nhận nhiều chùm ca bệnh COVID-19 có nguồn lây từ ngoài tỉnh. Nguyên nhân là do một số người chưa tuân thủ nghiêm quy định về phòng, chống dịch, đến BR-VT từ các tỉnh, thành có dịch là Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh nhưng không khai báo y tế và làm lây bệnh cho người dân địa phương. Điển hình là các ổ dịch mới tại phường Rạch Dừa và phường 12 (TP. Vũng Tàu). Trong đó, một F0 từ tỉnh Bình Dương về phường Rạch Dừa còn tổ chức ăn nhậu và mời người thân từ phường 11 tham dự, làm lây lan dịch tại 2 phường này. Chỉ vì niềm vui cá nhân nhất thời, những người này đã làm liên lụy đến bao nhiêu người.

Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ về ban hành quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” nhằm khôi phục kinh tế, tạo điều kiện để người dân đi lại làm ăn, vận chuyển hàng hóa thuận lợi. Khi tỉnh cho phép một số sự kiện, hoạt động được mở cửa trở lại, nhiều người từ các tỉnh, thành lân cận đã đổ về BR-VT, kéo theo những thách thức trong công tác phòng, chống dịch. Lực lượng làm nhiệm vụ tại các chốt kiểm soát cửa ngõ vào địa phương thêm bận rộn, vất vả ngày đêm nhằm phát hiện, ngăn chặn các trường hợp F0 hoặc không đủ điều kiện vào tỉnh. Trong khi đó, nhiều người dân, bao gồm cả dân địa phương còn chủ quan, lơ là trước nguy cơ dịch bệnh, khi đến từ vùng dịch nhưng không khai báo y tế; tập trung đông người ăn uống.

“Mở cửa” để phục hồi kinh tế là chủ trương chung của Chính phủ, đang được các địa phương thực hiện. Tuy nhiên, việc mở cửa cũng đồng nghĩa với chấp nhận rủi ro, bởi dịch bệnh có thể tái bùng phát bất cứ lúc nào. Trong điều kiện mở cửa, nếu chỉ có sự vào cuộc của các cơ quan chức năng thì chưa đủ. Để thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, yếu tố quan trọng là mỗi người dân phải nêu cao ý thức, trách nhiệm của mình trong công tác phòng, chống dịch. Theo đó, gia đình nào có người thân từ ngoài tỉnh về cần yêu cầu khai báo y tế đầy đủ và thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định.

Song song đó, từng tổ dân cư cần phát huy vai trò tai mắt của nhân dân, tổ COVID cộng đồng trong việc giám sát và báo ngay cho lực lượng chức năng khi phát hiện các trường hợp từ nơi khác về địa phương mà không khai báo y tế. Với các trường hợp cố tình vi phạm, làm lây lan dịch bệnh, lực lượng chức năng cần khẩn trương thu thập chứng cứ, củng cố hồ sơ, xem xét khởi tố về hành vi làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người để xử lý thích đáng trước pháp luật nhằm cảnh báo, răn đe.

NGUYỄN ĐỨC

 

.
.
.